Giám sát bệnh là công việc quan trọng
Việc giám sát hiện nay có tầm quan trọng rất lớn để chủ động ngăn chặn bệnh xâm nhập vào nội địa, vì vậy phải tổ chức tốt việc phát hiện bệnh tại sân bay, bến cảng, cửa khẩu... Cần quan tâm trường hợp bệnh giám sát còn gọi là ca bệnh lâm sàng, đây là trường hợp nghi ngờ mắc bệnh với các dấu hiệu như: sốt cao đột ngột trên 38oC, ho và có biểu hiện viêm phổi hoặc suy hô hấp cấp tính nặng về mặt lâm sàng hay chụp phim X quang. Đồng thời nên căn cứ thêm vào yếu tố dịch tễ như có tiền sử ở, đi và đến từ vùng có dịch lưu hành hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng do nhiễm chủng vi-rút MERS-CoV trong vòng 10 ngày trước khi bệnh khởi phát và không hướng đến các nguyên nhân khác. Lưu ý xác định việc tiếp xúc gần bao gồm: người trực tiếp chăm sóc hay sống, sinh hoạt, làm việc cùng phòng, cùng gia đình với trường hợp người mắc bệnh có thể nghi ngờ hoặc đã xác định; người ngồi gần bệnh nhân trên cùng chuyến xe, toa tàu hỏa, máy bay... hoặc có tiếp xúc trực tiếp với trường hợp bệnh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trên thực tế, cần phân loại trường hợp bệnh trong quá trình giám sát để có chỉ định xử trí biện pháp phù hợp như: trường hợp bệnh có thể là trường hợp bệnh lâm sàng có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định nhưng chưa có kết quả xét nghiệm; trường hợp bệnh xác định là trường hợp bệnh lâm sàng có xét nghiệm khẳng định dương tính với vi-rút MERS-CoV. Một nơi được xem là có ổ dịch khi phát hiện ở đó có 1 trường hợp bệnh xác định trở lên ghi nhận tại một địa điểm gồm thôn bản, xóm, tổ dân phố, đội sản xuất, đơn vị... Đồng thời ổ dịch được xem là chấm dứt khi không ghi nhận trường hợp mắc bệnh mới phát hiện trong vòng 21 ngày.
Các nội dung giám sát quy định
Hiện tại loại vi-rút MERS-CoV chưa phát hiện tại nước ta nhưng khả năng chúng có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người và xâm nhập vào nội địa từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới qua con đường giao lưu, hội nhập thuộc nhiều lãnh vực, đặc biệt là vấn đề du lịch. Dịch bệnh đã bùng phát tại Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước khác đang có nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam trong thời gian ngắn để lây truyền rộng rãi trong cộng đồng. Vì vậy công tác giám sát phải chủ động thực hiện để tổ chức các biện pháp phòng chống phù hợp theo từng giai đoạn.
Giai đoạn chưa có trường hợp bệnh
Giai đoạn này chưa phát hiện, ghi nhận được trường hợp bệnh có kết quả dương tính đối với chủng loại vi-rút MERS-CoV gây bệnh tại nội địa. Yêu cầu của giai đoạn chưa có trường hợp bệnh là phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng đầu tiên cho chủng vi-rút MERS-CoV xâm nhập vào nước ta để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng. Biện pháp thực hiện cụ thể là chủ động giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc đối tượng cần giám sát. Việc giám sát này chủ yếu tập trung tại các sân bay, bến cảng, cửa khẩu quốc tế; đồng thời cũng cần giám sát các ca bệnh nội địa để không bị bỏ sót.
Giám sát ở giai đoạn chưa có trường hợp bệnh để ngăn ngừa xâm nhập nội địa (ảnh minh họa)
Giai đoạn xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập
Phải thu thập đầy đủ các thông tin, ghi nhận các trường hợp bệnh có liên quan dịch tễ ở các quốc gia và vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh từ bên ngoài di chuyển đến nước ta. Yêu cầu của giai đoạn này là phát hiện sớm các trường hợp bệnh đã xâm nhập vào nội địa, xử lý triệt để ổ dịch, khống chế tránh lây lan rộng ra trong cộng đồng. Biện pháp thực hiện cụ thể trong giai đoạn xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vẫn là chủ động giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc đối tượng giám sát; tổ chức giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của tất cả những người có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh trong vòng 10 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng.
Giai đoạn dịch lây lan trong cộng đồng
Phải chủ động phát hiện, ghi nhận các ổ dịch, các trường hợp bệnh có tiền sử bị phơi nhiễm bệnh và mắc bệnh trong cộng đồng. Yêu cầu của giai đoạn này là phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch bệnh lan rộng ra cho cộng đồng. Biện pháp thực hiện cụ thể ở giai đoạn dịch lây lan tùy theo từng trường hợp: Ở các địa phương chưa phát hiện, ghi nhận trường hợp bệnh cần giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh thuộc đối tượng giám sát. Ở các ổ dịch đã được xác định, cần giám sát, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm từ 3 đến 5 trường hợp bệnh đầu tiên. Thực hiện điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm những bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng đang nhập viện để điều trị. Trong tất cả các giai đoạn của dịch bệnh, ngoài việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm thuộc hệ thống giám sát bệnh cúm trọng điểm quốc gia còn cần phải xét nghiệm thêm phương pháp kỹ thuật để xác định chủng vi-rút MERS-CoV; đồng thời phải duy trì hoạt động liên tục nhằm theo dõi diễn biến của dịch bệnh và sự biến đổi của chủng vi-rút gây bệnh.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Ngoài công tác giám sát và thực hiện các biện pháp cụ thể đã nêu ở trên nhằm chủ động ngăn chặn vi-rút MERS-CoV xâm nhập vào nội địa để gây bệnh và bùng phát dịch có thể làm cho nhiều người bị mắc bệnh và tử vong. Hiện nay theo các nhà khoa học, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông chưa có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu bằng vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu để chữa trị. Vì vậy biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu vẫn là phương pháp được khuyến cáo thực hiện với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng có thể mang lại hiệu quả cao như: Tổ chức công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để cộng đồng người dân nâng cao nhận thức về bệnh viêm đường hô hấp cấp tính và các biện pháp phòng bệnh chung. Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất là che bằng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm sự phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy bỏ hoặc giặt sạch khăn ngay. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Thường xuyên súc sạch miệng và vòm họng bằng nước sát khuẩn miệng. Tăng cường sự thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sự dụng máy điều hòa không khí. Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, tập luyện thể thao. Nếu phát hiện thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất biết để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời, tránh lây lan cho những người ở chung quanh.
Hiện nay nước ta đang ở giai đoạn chưa có trường hợp bệnh nhưng nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài vào nội địa là rất lớn. Vừa qua đã có một khách du lịch đi từ Hàn Quốc đến sân bay Nội Bài, thành phố Hà Nội qua đường hàng không nghi ngờ bị nhiễm bệnh với dấu hiệu sốt, ho; bộ phận kiểm dịch y tế đã cách ly và cho xét nghiệm đặc hiệu để phát hiện nhưng chỉ ghi nhận nhiễm cúm thường, không bị nhiễm coronavirus gây bệnh MERS-CoV. Hoạt động này cũng cho thấy việc thực hiện biện pháp của giai đoạn xuất hiện các trường bệnh xâm nhập nội địa đã được chủ động triển khai. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giám sát hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS (severe acute respiratory syndrome) trước đây nên sẽ có khả năng thực hiện tốt việc giám sát hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông MERS xâm nhập vào nội địa nước ta hiện nay.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH