Đồng chí Nguyễn Dung – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình bài bài báo cáo chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế về đầu tư cho y tế cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu
Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân (CS&BVSKND) là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang mà Đảng, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao trọng trách đó cho ngành Y tế.
Mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, đảm bảo cho người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chi phí thấp nhất, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo và xây dựng nếp sống văn hoá.
Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” của Bộ Chính trị; Trong thời gian qua, công tác CS&BVSKND luôn luôn được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo trực tiếp của của Tỉnh Ủy, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh; được sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành và sự hổ trợ tích cực của các tổ chức phi Chính phủ, đã tạo điều kiện cho ngành Y tế củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở để phấn đấu khống chế được các dịch bệnh xảy ra và đã có nhiều biện pháp tích cực để người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất.
1. Hệ thống tổ chức YTCS tại Thừa Thiên Huế :
Tại Thừa Thiên Huế có một tổ chức y tế đa dạng, bao gồm y tế Trung ương , y tế ngành đóng trên địa bàn và hệ thống tổ chức y tế địa phương; đặc biệt đối với tuyến y tế cơ sở, Thừa Thiên Huế có 152 Trạm y tế xã/phường/Thị trấn được quản lý trực tiếp bởi Trung tâm Y tế huyện/ thị xã/ thành phố.
2. Những giải pháp đã triển khai để củng cố và phát triển hệ thống y tế cơ sở :
2.1. Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực :
Để đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động theo chức năng của Trạm y tế, theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV, ngày 05/6/2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Đến nay toàn ngành có 1001 cán bộ y tế cơ sở, trong đó những chức danh chủ yếu như Bác sỹ : 153, YSYHCT 152, Nữ hộ sinh trung học trở lên : 195, bình quân mỗi trạm y tế đảm bảo 5-6 cán bộ hoạt động. Ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh đã có những chính sách thích hợp để củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở thông qua công tác đào tạo cán bộ và hổ trợ tăng cường cán bộ tuyến trước bằng nguồn ngân sách địa phương, cụ thể:
2.1.1. Tiếp tục duy trì tăng cường bác sỹ về công tác tại Trạm y tế:
Theo đó, tất cả các đơn vị y tế tuyến huyện/ thị xã/ thành phố có trách nhiệm tổ chức tăng cường Bác sỹ về công tác tại Trạm y tế trên địa bàn mình quản lý.
Kể từ năm 2005 , khi mà tỷ lệ tỷ lệ Trạm y tế có bác sỹ chỉ đạt 72% thì ngành y tế Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án “Tăng cường Bác sỹ về công tác tại Trạm y tế xã” và sau này tiếp nối là đề án 1816 được triển khai từ năm 2008 đã đảm bảo 100% Trạm y tế đều có Bác sỹ công tác, góp phần làm thay đổi phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng hoạt động tại tuyến y tế cơ sở. Tất cả các Bác sỹ về công tác tại Trạm đều được bổ nhiệm làm Trưởng hoặc Phó trưởng Trạm y tế để tham gia điều hành hoạt động của Trạm. Bác sĩ tăng cường chịu trách nhiệm về công tác khám bệnh, kê đơn, hướng dẫn chuyên môn cho các cán bộ trong Trạm; giúp cho Trạm trong công tác lập kế hoạch và tham mưu tốt cho UBND xã để triển khai các hoạt động của chương trình y tế quốc gia y tế trên địa bàn; tham gia tập huấn cho cán bộ y tế thôn bản về công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường....Hiện nay tại Thừa Thiên Huế có TYT đã có đến 02 bác sỹ, có 02 trạm y tế đã có dược sỹ đại học, 05 Trạm y tế có Nữ hộ sinh đại học.
2.1.2. Công tác tuyển dụng, đào tạo, cập nhật chuyên môn cho cán bộ y tế:
Trong nhiều năm liên ngành đã liên tục phối hợp các đơn vị đào tạo: Trường Đại học Y Dược Huế, Trường Cao đẳng Y tế TT.Huế để tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở bằng nhiều loại hình: đào tạo chính quy, đào tạo chuyển đổi (hệ chuyên tu), đào tạo cử tuyển theo địa chỉ, đào tạo liên thông cho các chức danh.
Ngoài ra, để nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sỹ công tác tại trạm Ngành đã xúc tiến đào tạo Bác sỹ Gia đình. Đến nay đã đào tạo được 58 bác sỹ chuyên khoa I y học gia đình, 117 Y sỹ YHCT được đào tạo văn bằng 2 về Dược sỹ Y học cổ truyền.
Công tác đào tạo và đào tạo lại luôn được quan tâm. Thông qua hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, hằng năm các đơn vị y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện/ thị tổ chức tập huấn, cập nhật chuyên môn và giám sát hỗ trợ, cầm tay chỉ việc các nội dung mới cho cán bộ tuyến y tế cơ sở xã/ phường/ thị trấn, qua đó để triển khai các hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, để sử dụng các trang thiết bị hiện đại (siêu âm, máy đo điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu...) hổ trợ trong chẩn đoán và điều trị tại Trạm, Ngành đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện/ thị xã/ thành phố chủ động tổ chức đào tạo tại chổ các kỹ thuật sử dụng thiết bị cho các Bác sỹ trưởng trạm để triển khai ứng dụng; xây dựng kế hoạch phối hợp Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Đa khoa TW Huế tổ chức các khoá tập huấn cho cán bộ Trạm để chuẩn hoá các kỹ năng này.
Tóm lại, giải pháp nâng cao nguồn nhân lực trong những năm qua đã triển khai các loại hình đào tạo và thực hiện công tác tuyển dụng cán bộ, đã tạo điều kiện cho mạng lưới y tế cơ sở có nguồn nhân lực cần thiết để nâng cao chất lượng hoạt động tuyến y tế cơ sở: 100% Trạm y tế có Bác sỹ về công tác, tỷ lệ Bác sỹ biên chế tại Trạm y tế đạt 89,5%; 100% Trạm đều có Nữ hộ sinh Trung học và Y sỹ YHCT hoạt động hiệu quả.
2.2. Giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất : Năm 2005 : toàn tỉnh chỉ có 35 TYT được tầng hóa, chiếm 23%. Nhưng đến nay, thông qua sự hỗ trợ của dự án “Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trạm y tế xã/ phưòng/ thị trấn tỉnh Thừa Thiên Huế” do tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) tài trợ và nguồn đối ứng của tỉnh đã tầng hóa kiên cố được 152 Trạm y tế (đạt 100%). Việc nâng cấp và tầng hóa các Trạm y tế đã đảm bảo mỗi Trạm y tế có đầy đủ 13 phòng chức năng theo chuẩn quốc gia về y tế xã.
2.3. Giải pháp về đầu tư trang thiết bị :
Bằng việc huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau, mỗi trạm y tế ngoài danh mục trang thiết bị y tế quy định tại trạm đều được đầu tư thêm 17 hạng mục thiết bị y tế lớn khác như : máy siêu âm, máy đo điện tim, máy xét nghiệm nước tiểu, kính hiển vi 02 mắt, máy khí dung, máy châm cứu, bộ khám ngũ quan, bộ tiểu phẩu, máy nghe doppler tim thai, máy điện châm, đèn hồng ngoại, ... Hiện nay 100% các trang thiết bị được đưa vào sử dụng có hiệu quả trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh.
- Các trạm y tế đều được trang bị máy phun, hóa chất và các thiết bị phòng hộ để các Trạm y tế chủ động xử lý môi trường, khống chế các bệnh dịch xảy ra.
- Hiện nay, 100% Trạm Y tế được trang bị máy vi tính và nối mạng Internet để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động y tế địa phương; bước đầu đã có huyện thực hiện giao ban trực tuyến giữa Trung tâm Y tế huyện và các Trạm y tế xã.
Tóm lại, cơ sở hạ tầng, các thiết bị phục vụ cho hoạt động của tuyến y tế cơ sở xã/ phường/ thi trấn ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện, đã góp phần đáp ứng nhu cầu triển khai hoạt động các chương trình mục tiêu về y tế, công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch tại Trạm y tế.
2.4. Giải pháp về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin :
Ngành y tế tỉnh đã ưu tiên quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống nối mạng Internet đến tuyến xã. Cán bộ y tế được đào tạo, sử dụng để thực hiện công tác báo cáo qua mạng. Bước đầu triển khai ứng dụng giao ban trực tuyến giữa TTYT huyện và các TYT xã. Đến nay 100% TYT được nối mạng và thực hiện công tác quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn qua hệ thống máy tính
2.5. Giải pháp về Xã hội hóa và huy động các nguồn lực khác
Huy động tối đa xã hội hóa các hoạt động y tế, kêu gọi đầu tư và tranh thủ các chương trình dự án, viện trợ của các Chính phủ và tổ chức phi chính phủ cho hoạt động mạng lưới y tế cơ sở nhằm tạo nguồn lực để nâng cao năng lực hoạt động tuyến y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
3. Kết quả hoạt động CSSKBĐ tại tuyến Y tế cơ sở :
3.1. Về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và công tác phòng chống dịch bệnh:
Các chương trình mục tiêu Y tế Quốc gia triển khai tại các Trạm y tế hàng năm đều đạt và duy trì ở mức cao: Tỷ lệ Tiêm chủng đầy đủ trẻ em dưới 1 tuổi luôn đạt >98%; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt tỷ lệ >98%; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm nhanh và bền vững kể từ năm 2000. Hiện Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh năm 2014 là 13,0%. Tất cả các chỉ tiêu thiên niên kỷ liên quan đến lỉnh vực y tế tại Thừa Thiên Huế đến thời điểm năm 2013 đều đã hoàn thành và vượt trước thời hạn.
Công tác chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch đã được triển khai tích cực, bằng nhiều biện pháp như việc duy trì thường xuyên công tác giám sát dịch tễ các bệnh truyền nhiễm gây dịch, đặc biệt là bệnh bệnh Tay-Chân-Miệng, bệnh sốt xuất huyết, bệnh tiêu chảy cấp, bệnh Cúm A(H7N9), Cúm A(H5N1), bệnh Cúm A(H1N1),... Các hoạt động tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh đã được đẩy mạnh vì vậy các dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế và trong nhiều năm không có dịch bệnh xảy ra.
3.2. Về công tác khám chữa bệnh :
- Các chỉ tiêu phấn đấu về sức khoẻ hàng năm đã được đưa vào Nghị quyết và kế hoạch hoạt động của Đảng uỷ và UBND các xã/phường/thị trấn. Đến năm 2014 đã có 139/152 xã, phường, thị trấn (đạt 91,4%) được công nhận đạt “Chuẩn quốc gia về y tế xã”.
- Năm 2005 chỉ có 69,3% TYT triển khai công tác KCB BHYT thì đến nay 100% Trạm y tế đều tổ chức khám chữa bệnh, CSSKBĐ cho các đối tượng BHYT. Hiện nay tỷ lệ bao phủ BHYT đạt >78,4% dân số, trong đó số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại trạm chiếm 88,6%. Trong 10 năm qua, số lượt khám chữa bệnh tại Trạm Y tế hang năm đều tăng dần. Năm 2014, có 48,3% lượt khám điều trị ngoại trú toàn tỉnh được thực hiện tại Trạm, có 26.431 lượt xét nghiệm được triển khai.
Hiệu quả việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang cấp các trang thiết bị Y tế đồng bộ với đào tạo nguồn nhân lực đã đưa chất lượng chuyên môn công tác khám chữa bệnh ngày càng tăng cao. TYT đã triển khai tốt các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến, xử lý được các trường hợp cấp cứu thông thường, điều trị có theo dõi cận lâm sàng các bệnh lý cấp và mãn tính theo phác đồ, do vậy tỉ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt và người dân ngày càng được tiếp cận tốt hơn với dịch vụ Y tế có chất lượng. Hiện nay công tác khám chữa bệnh tại tuyến Y tế cơ sở đã đáp ứng được với nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, mạng lưới Y tế thôn/bản đã từng bước được củng cố và phát triển, hiện nay có 1427/1494 (đạt 95,5%) thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động có hiệu quả.
Ngành y tế Thừa Thiên Huế đã triển khai thí điểm được 05 mô hình bác sỹ gia đình làm cơ sở để nhân rộng trong toàn tỉnh.
4. Những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai công tác CSSKBĐ tại tuyến y tế cơ sở :
Quá trình triển khai thực hiện, Ngành y tế Thừa Thiên Huế đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tại tuyến y tế cơ sở như sau:
Trước hết, cần tăng cường nhận thức và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với y tế cơ sở; xác định rõ việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tăng cường mạng lưới y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền địa phương cần triển khai; phải đưa mục tiêu, nhiệm vụ về tăng cường y tế cơ sở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, bảo đảm nguồn lực để thực hiện, có sự phân công trách nhiệm cụ thể, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện.
Thứ hai, cần ổn định mô hình tổ chức hệ thống y tế theo thông tư 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008.
Thứ ba, cần có chính sách ưu tiên, có chương trình đào tạo phù hợp dành cho cán bộ y tế làm việc ở y tế cơ sở, đặc biệt cần đẩy mạnh đào tạo đội ngũ bác sĩ gia đình cho trạm y tế xã; đẩy mạnh công tác chăm sóc và quản lý sức khỏe tại nhà, tại cộng đồng. Tăng cường đào tạo cán bộ y tế là người địa phương, cán bộ y tế người dân tộc thiểu số; đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ hộ sinh và điều dưỡng; đào tạo nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản để đủ trình độ thực hiện các nhiệm vụ được giao; cần có chính sách ưu tiên, đãi ngộ đặc biệt trong thu hút, tuyển dụng để khuyến khích cán bộ y tế làm việc lâu dài ở y tế cơ sở.
Thứ tư, cần có đầu tư đột phá để nâng cấp cơ sở vật chất trạm y tế tuyến xã đạt chuẩn của Bộ Y tế. Việc đầu tư duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất phải được bảo đảm thường xuyên. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư: triển khai các dịch vụ y tế đến gần người dân; Cùng với việc củng cố cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế, cần đầu tư thỏa đáng để cung cấp các trang, thiết bị y tế thiết yếu cho y tế cơ sở để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc tại tuyến y tế cơ sở .
Thứ năm, về tài chính và đầu tư, với quan điểm CSSK ban đầu là dịch vụ xã hội cơ bản mọi người dân đều có quyền được hưởng, Nhà nước cần chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm nguồn tài chính để đầu tư và bảo đảm kinh phí cho hoạt động thường xuyên của y tế cơ sở. Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần nhanh chóng phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, mở rộng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tuyến xã, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho y tế cơ sở. Tăng cường công tác xã hội hóa trong lỉnh vực y tế.
Thứ sáu, cần đổi mới cơ chế quản lý, điều hành để phát huy tính năng động, sáng tạo và duy trì tính bền vững kết quả đạt được
Tóm lại : Đầu tư cho Y tế cơ sở sẽ mang lại hiệu quả trên nhiều lỉnh vực, công tác phòng chống dịch sẽ được chủ động, kịp thời phát hiện, khống chế không để dịch bệnh xảy ra, người dân sẽ được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, giảm được các chi phí gián tiếp, góp phần giảm quá tải bệnh viện và thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.
PGS.TS. Nguyễn Dung
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huê