Những vấn đề liên quan đến ngành y trong thời gian vừa qua đã làm cho hình ảnh ngành Y trong cái nhìn của mọi người có phần nào không tốt, chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện và thấu đáo những vấn đề đang nãy sinh để có thể đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong thời gian đến. Chúng ta đều biết, bất cứ nghề gì cũng cần đến lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người làm nghề, nhưng với ngành y thì Y đức là đạo đức nghề nghiệp, một điều mà người hành nghề không thể thiếu vì thế mà Hải Thượng Lãn Ông đã từng nói “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề y và không nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.
Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: 'Lương y phải như từ mẫu'.
Lao động của ngành y liên quan đến tính mạng, sức khoẻ con người vì vậy đòi hỏi người làm việc trong ngành y phải tinh thông nghề nghiệp, phải có lương tâm nghề nghiệp, phải được đào tạo nghiêm túc với thời gian dài hơn các ngành khác. Lao động trong ngành y trước hết đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao trước sức khoẻ của con người và tính mạng của người bệnh, là lao động hết sức khẩn trương giành giật từng giây từng phút trước tử thần để cứu tính mạng người bệnh. Với những đặc thù của tính chất công việc căng thẳng, liên tục cả ngày đêm, diễn ra trong điều kiện không phù hợp của quy luật sinh lý con người, trong môi trường không thuận lợi với tâm lý con người. Tiếp xúc với người bệnh đau đớn, bệnh tật, nguy cơ lây nhiễm, hoá chất, chất thải môi trường bệnh viện. Bên cạnh đó, trong qua trình làm việc người thầy thuốc luôn tiếp xúc với những người bệnh, là người có tổn thương về thể chất và tinh thần, họ luôn ở trạng thái lo lắng cho bệnh tật của mình vì vậy họ có tâm trạng buồn phiền, cáu gắt dễ có những hành vi không đúng mức với thầy thuốc - những người đang tìm cách cứu sống họ, đòi hỏi người thầy thuốc phải đáp ứng nhu cầu của họ mà không thấy trách nhiệm của mình là phải cộng tác với thầy thuốc để tìm mọi cách tốt nhất điều trị người bệnh. Từ đó dễ gây thắc mắc, căng thẳng giữa thầy thuốc và người bệnh. Vì vậy đối với ngành y tế đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi phải có tình thương yêu con người vô bờ bến và một sự kiên nhẫn của các bà mẹ.
Hơn nửa thế kỷ qua các thế hệ thầy thuốc và nhân viên y tế trên mọi miền của đất nước đã tận tuỵ hy sinh trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân qua các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc cũng như trong thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước. Hàng vạn thầy thuốc, nhân viên y tế nhiều thế hệ đã thầm lặng làm việc ngày đêm chăm sóc người bệnh, cứu sống hàng triệu sinh mạng con người, dập tắt kịp thời nhiều vụ dịch nguy hiểm….Dù bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào các thế hệ thầy thuốc Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần yêu thương con người, thực hiện tốt y đức phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, nhu cầu khám chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày càng tăng cao, trong khi kinh phí dành cho ngành y tế còn có hạn, đời sống người thầy thuốc gặp không ít khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng thiếu thốn, ngành y tế đã phấn đấu nỗ lực hết sức mình để làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Trình độ thầy thuốc, nhân viên y tế được nâng cao, kỹ thuật hiện đại được áp dụng, các máy móc trang thiết bị được bổ sung, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao rõ rệt. Dù vậy nhưng thực tế thì sự phát triển của ngành y tế vẫn chưa đáp ứng kịp với sự nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người dân hiện nay. Vì thế đã không tránh khỏi có những tiêu cực xảy ra ở một số ít người làm công tác y tế đòi hỏi chúng ta phải luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện để giảm bớt những tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của người thầy thuốc. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên? Trước hết phải nhìn nhận rằng chế độ lương hiện nay chưa thể nói là bảo đảm cho đời sống của cá nhân và gia đình của người thầy thuốc. Ngoài ra một thực trạng hiện nay là một bộ phận thầy thuốc, nhân viên y tế trình độ chuyên môn kém, chưa thực sự yêu nghề và một phần cũng do việc đào tạo đạo đức, y đức chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình đào tạo. Mặt khác nhìn chung môi trường làm việc chưa thật sự minh bạch, chuyên nghiệp nên cũng đã tạo cơ hội cho những hiện tượng tiêu cực có điều kiện nãy sinh.
Với thực trạng trên để nâng cao vấn đề Y đức của người làm công tác y tế tại các cơ sở y tế hiện nay chúng ta cần phải tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Trước hết phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục để mỗi thầy thuốc, nhân viên y tế nhận thức một cách sâu sắc về ý nghĩa cao quý của nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn, có lòng yêu ngành yêu nghề, với đạo đức, trách nhiệm và tình yêu thương chia sẻ với bệnh nhân. Luôn có tinh thần học hỏi nâng cao tay nghề chuyên môn, trau dồi đạo đức lối sống, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”. Mặc khác, đối với người bệnh và người dân cần tuyên truyền sâu rộng những kiến thức về phòng và chữa bệnh tật, những chế độ chính sách xã hội, bảo hiểm y tế, quyền lợi và nghĩa vụ, để người dân có sự thông cảm và cộng tác với thầy thuốc, nhân viên y tế khi tham gia khám chữa bệnh.
Một điều quan trọng nữa là chǎm lo tốt đời sống của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế về tinh thần và vật chất để họ yên tâm làm chuyên môn, tận tình phục vụ người bệnh. Tạo một môi trường làm việc minh bạch, chuyên nghiệp để phát huy khả năng chuyên môn. Họ phải có được sự tôn trọng dành cho " người thầy thuốc" từ chính những người lãnh đạo, quản lý đơn vị cũng như từ người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Một việc làm không thể thiếu trong công tác quản lý là phải thực hiện một cách hiệu quả công tác thanh tra và kiểm tra về khám chữa bệnh, đặc biệt đối với những họat động liên quan trực tiếp tới sinh mạng bệnh nhân như cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật, sinh đẻ.
Sau nữa là làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời động viên, tôn vinh những tấm gương tận tuỵ phục vụ người bệnh đồng thời xử lý nghiêm minh những biểu hiện thiếu trách nhiệm và gây phiền hà cho người bệnh, ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc, uy tín của ngành.
Trước những thách thức của cuộc sống, bệnh tật ngày càng nhiều, xã hội cần sự tận tình, chia sẽ nhiều hơn nữa của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế để nâng cao vấn đề y đức và chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Mỗi người thầy thuốc, nhân viên y tế cần phải tự vấn lương tâm mình, như lời của Richard Teo Keng Siang, một bác sĩ người Hàn Quốc đã chia sẽ trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư ở tuổi 40( năm 2012): “ Nhiều khi chúng ta quên đi mình cần phục vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai cả ngoài chính mình. Chúng ta được huấn luyện để trở thành lương y, nhưng chúng ta không cảm được cho bệnh nhân”. Mỗi chúng ta, những người thầy thuốc, nhân viên y tế cần phải xác định được trách nhiệm của bản thân trước xã hội, phục vụ nhân dân, người bệnh đó là một lý tưởng sống cao đẹp của mình./.