Xác định công tác xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã là điều kiện để giúp cho tuyến y tế cơ sở phát triển toàn diện, triển khai tốt các chương trình, dự án quốc gia về y tế, tăng cường phòng chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Phú Vang luôn quan tâm thực hiện tốt lộ trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với 20 trạm y tế xã, thị trấn, để sớm đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 theo kế hoạch, huyện Phú Vang đã tiến hành rà soát hệ thống tuyến y tế cơ sở, trong đó xác định những khó khăn lớn nhất trong xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế. Thực tế nhiều trạm y tế trên địa bàn huyện cơ sở vật chất; các trang thiết bị y tế còn thiếu, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn. Để tháo gỡ những khó khăn đó, trước hết, Phú Vang đã đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, chủ động tìm kiếm các nguồn lực, các chương trình, dự án để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các trạm y tế. Từ năm 2009 đến nay, được sự quan tâm của Sở Y tế, các dự án tài trợ, nguồn ngân sách từ huyện, xã, thị trấn và từ nguồn kinh phí tự thu chi của đơn vị, trên địa bàn huyện các trạm y tế xã, thị trấn đã được tầng hoá, trang cấp trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh như: máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm…UBND huyện và các xã, thị trấn cũng đã đầu tư trên 8 tỷ đồng để sửa chữa và nâng cấp nhiều trụ sở trạm y tế theo các tiêu chí về cơ sở vật chất. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, ngành y tế huyện cũng đã tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên y tế xã được đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Toàn huyện có 10 cán bộ trạm y tế xã, thị trấn đi học Bác sĩ chuyên khoa cấp I, 10 cán bộ đang học đại học. Nhiều cán bộ y tế được tham gia đào tạo sử dụng các trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh có 100% Bác sĩ, cán bộ YHCT và NHS. Kết quả thực hiện các tiêu chí;
- Chuẩn về xã hội hoá chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân và công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ. Các cấp uỷ đảng, chính quyền đã đưa việc thực hiện chuẩn quốc gia về y tế là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội mà địa phương tập trung thực hiện. Đây cũng là một tiêu chí để xét duyệt thi đua. Đảng uỷ, HĐND các xã, thị trấn ra quyết định, UBND xây dựng kế hoạch thực hiện, phân công trách nhiệm cụ thể các ban ngành ở địa phương. Ban chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân các cấp được kiện toàn hoạt động có nề nếp, xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện, kiểm tra giám sát hỗ trợ địa phương thực hiện kế hoạch. Các địa phương đã tăng cường tuyên truyền vận động huy động cộng đồng, các tổ chức tích cực tham gia các chương trình y tế trên địa bàn. Tích cực tuyên truyền giáo dục sức khoẻ trên các phương tiện thông tin, nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khoẻ của cộng đồng.
- Chuẩn về cộng đồng (vệ sinh phòng dịch ) (chuẩn II). Các địa phương tích cực triển khai thực hiện vệ sinh môi trường, gắn thực hiện vệ sinh môi trường với phong trào xây dựng “ Làng văn hoá sức khoẻ ”. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, các dịch bệnh Tay chân miệng, cúm A (H1N1), sốt xuất huyết,.. đã được xử lý kịp thời, cấp cứu điều trị đúng quy định, không để tử vong, nhanh chóng khoanh vùng và dập dịch. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai có nền nếp đạt mục tiêu đề ra. Tới nay 75% hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đạt dưới 12,5%, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ đạt trên 95%.
- Các chuẩn về hỗ trợ và đầu tư (VII: Cơ sở hạ tầng trang thiết bị, VIII: Nhân lực và chế độ chính sách, IX: Kế hoạch và tài chính cho trạm y tế). UBND các huyện, xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng tường rào, sân trên 8 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí các dự án và từ nguồn kinh phí của đơn vị đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho trạm y tế đạt chuẩn .
-Các chuẩn về chuyên môn (III: Khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, IV: Y hộc cổ truyền, V: Chăm sóc sức khoẻ trẻ em, VI: Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, X: Thuốc thiết yếu và sử dụng thuốc an toàn).
Qua triển khai thực hiện Chuẩn quốc gia y tế xã, các tiêu chí về chuyên môn cơ bản đạt và vượt, chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân được nâng cao. Tỷ lệ người bệnh đến khám điều trị tại các trạm y tế ngày mỗi tăng, nhân dân ngày một tin tưởng hơn về các dịch vụ y tế triển khai tại trạm y tế.
Với kết quả đó, năm 2012 có 9 xã, năm 2013 có 11 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Phú Vang là đơn vị đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế sớm đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những thiếu sót, tồn tại như: cây thuốc trong vườn chưa đủ, tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền còn thấp… Nhiệm vụ trong thời gian đến cùng với việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, cần tập trung công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, vận động các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp can thiệp KHHGĐ để duy trì mức sinh, không có người sinh con thứ 3, mất cân bằng giới tính khi sinh…Đây là nhiệm vụ nặng nề và là chỉ tiêu quan trọng trong các tiêu chí đánh giá trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.