Mục tiêu và quy mô các hoạt động
Tổ chức MSI được thành lập xuất phát từ triết lý của Tiến sĩ Marie Stopes, người khởi xướng, sáng lập ra tổ chức này và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Trong thời gian qua, Tổ chức MSI tại Việt Nam đã xây dựng Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại 10 tỉnh, thành phố bao gồm một trung tâm tĩnh tại và đội lưu động cung cấp dịch vụ đến vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó đã xây dựng các dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện với các đối tác là Sở Y tế để phát triển một số mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản như mô hinh bà đỡ dân gian, mô hình sức khỏe thân thiện với vị thành niên, người nhiễm HIV, vợ chồng trẻ và nhượng quyền xã hội. Về mô hình nhượng quyền xã hội, đã tác động đến khu vực y tế tư nhân với hoạt động “ngôi sao xanh” và khu vực y tế nhà nước với hoạt động “tình chị em”. Ngoài ra, đã xây dựng được tổng đài bưu điện hỗ trợ khách hàng 1900571225 để tư vấn những vấn đề cần thiết có liên quan.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Vĩnh Long, một dự án được Tổ chức MSI và Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ trong thời gian 3 năm, từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2012 mang tên “Tăng cường năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ nhà nước và ngoài công lập trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam”. Dự án này sẽ sử dụng một phần các nguồn lực hiện có của dự án “Nhượng quyền xã hội dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các trạm y tế xã, phường tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long” do Tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) tài trợ. Trước đây tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) đã tài trợ các hoạt động của dự án thông qua Tổ chức MSI tại Việt Nam cho các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy và Hương Trà.
Mục tiêu tổng thể dự án của Tổ chức MSI do Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ là đóng góp vào việc giảm đói nghèo thông qua những tiến bộ tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục nhằm đạt được Mục tiêu số 5 của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ) tại các khu vực nông thôn và những vùng xa xôi hẻo lánh của Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của dự án là tăng cường năng lực cho các cơ quan nhà nước và ngoài công lập tại địa phương nhằm nâng cao mức độ sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào các biện pháp tránh thai lâu dài và vĩnh viễn tại hai tỉnh dự án.
Với sự đầu tư của dự án, có 60 cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kế hoạch hóa gia đình và 180 cán bộ làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ; đại diện cho cả hai khu vực nhà nước cũng như ngoài công lập hoạt động. Mục tiêu có khoảng 20.000 hộ gia đình với 50.000 phụ nữ, nam giới và vị thành niên trong độ tuổi sinh sản được tác động tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long. Đối tượng được hưởng lợi dự kiến bao gồm 420.000 phụ nữ và nam giới tại các khu vực gặp khó khăn trong việc tiếp cận sẽ được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình hiệu quả hơn. Bên cạnh đó có 680.000 người sẽ được tiếp cận thông qua các chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe. Ngoài ra, đối tượng được hưởng lợi gián tiếp là các cơ quan quản lý y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội như thu được thông tin từ các sáng kiến thử nghiệm của dự án; đồng thời cung cấp được nhiều dịch vụ hơn cho nhóm người dân chịu thiệt thòi; đồng thời các tổ chức phát triển xã hội khác sẽ quan tâm đến những mô hình sáng tạo được gây dựng từ dự án này.
Theo sự hỗ trợ của dự án thí điểm cho hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long, mỗi tỉnh được phân bổ một nửa số kế hoạch xây dựng bao gồm 30 cơ sở cung cấp dịch vụ, 90 cán bộ làm việc, 10.000 hộ gia đình với 25.000 phụ nữ, nam giới và vị thành niên trong độ tuổi sinh sản được tác động. Có 210.000 phụ nữ và nam giới tại các khu vực gặp khó khăn trong việc tiếp cận sẽ được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình hiệu quả hơn và 340.000 người sẽ được tiếp cận thông qua các chiến dịch truyền thông giáo dục sức khỏe.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong quy mô kế hoạch, dự án đầu tư cho 13 trạm y tế xã của huyện Phong Điền và 7 trạm y tế xã của huyện Nam Đông; ngoài ra còn hỗ trợ hoạt động cho 10 phòng khám bệnh tư nhân gồm 2 phòng khám tại huyện Phong Điền và 8 phòng khám tại thành phố Huế. Tổng kinh phí đầu tư cho các hoạt động của dự án này tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong 3 năm dự kiến khoảng 271.455 Euro.
Tại tỉnh Vĩnh Long cũng trong quy mô kế hoạch, dự án đầu tư cho 6 trạm y tế xã của huyện Bình Tân, 4 trạm y tế xã của huyện Trà Ôn, 3 trạm y tế xã của huyện Tam Bình, 2 trạm y tế xã của huyện Bình Minh và 5 trạm y tế xã của huyện Mang Thít. Ngoài ra còn hỗ trợ hoạt động cho 10 phòng khám bệnh tư nhân tại thành phố Vĩnh Long và các xã, thị trấn của huyện có liên quan.
Các kết quả mong đợi đầu ra của dự án
Dự án sẽ cải thiện sức thu hút của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long thông qua việc xây dựng và nâng cao năng lực cho mạng lưới các cơ sở có định hướng cung cấp dịch vụ có chất lượng. Điều này sẽ được các chiến dịch truyền thông dựa vào cộng đồng hỗ trợ nhằm thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ. Việc trao đổi thông tin giữa các mạng lưới, các cơ quan quản lý ngành y tế, các quốc gia đối tác và cộng đồng quốc tế sẽ giúp cho việc phổ biến các bài học kinh nghiệm và bảo đảm sự chia sẻ, duy trì những biện pháp thực hành tốt.
Ủy ban châu Âu (EC), nhà tài trợ của Dự án MSI
Với sự hỗ trợ, đầu tư của dự án mang tính chất mô hình thí điểm; các kết quả mong đợi của đầu ra khi kết thúc dự án này là:
- Tăng khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ thuộc khu vực nhà nước và ngoài công lập.
- Nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước và ngoài công lập trong quản lý, giám sát việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng tại tuyến cơ sở.
- Tăng cường quan hệ đối tác và mạng lưới hoạt động giữa các cơ quan nhà nước, ngoài công lập và các tổ chức khác trong việc áp dụng các phương pháp tiếp cận đổi mới đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Nhân rộng mô hình thí điểm dự án
Mặc dù dự án “Tăng cường năng lực của các cơ sở cung cấp dịch vụ nhà nước và ngoài công lập trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam” của Tổ chức Marie Stopes International (MSI) được sự tài trợ bởi Ủy ban châu Âu (EC) triển khai trong 3 năm, từ năm 2010 đến năm 2012 cho hai tỉnh thí điểm mô hình tại Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long nhưng những kết quả mong đợi đạt được sẽ giúp địa phương giải quyết, thực hiện các vấn đề thực tiễn với phương pháp phù hợp và có bài học kinh nghiệm từ thực tế. Kết quả mong đợi hay kết quả của đầu ra của dự án là cơ sở khoa học để xem xét, nghiên cứu mở rộng mô hình hiệu quả này đến được với nhiều cơ sở, nhiều địa phương khác trong cả nước để góp phần giúp phụ nữ ở độ tuổi sinh sản từ 15 đến 49 tuổi được hưởng lợi từ những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được cung cấp. Để thực hiện được vấn đề này, những người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở nhiều địa phương trong cả nước mong mỏi có sự hợp tác, đầu tư, tài trợ của nhà nước, các tổ chức trong nước và nước ngoài để có thể hưởng lợi từ các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình có chất lượng, hiệu quả tốt hơn.