Tìm kiếm
Tìm trên bản đồ
Trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá thế nào về website này?
Thống kê truy cập
Truy câp trong tuần 29.156
Truy câp trong tháng 190.472
Truy câp trong năm 1.467.351
Truy câp tổng 4.963.426
Truy câp hiện tại 1.040
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút Zika
Ngày cập nhật 02/04/2016

   Đây là thông tin chính thức được Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Phòng chống dịch do vi rút Zika giữa 4 điểm cầu Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Tây Nguyên vào chiều ngày 30/03/2016.

   Tại cuộc họp PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: tính từ đầu năm 2016 đến ngày 30/3/2016, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam đã thu thập và xét nghiệm 784 mẫu tìm vi rút Zika tại 32 tỉnh, thành phố, kết quả tất cả đều âm tính với vi rút Zika, điều đó chứng tỏ tính tới thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào xét nghiệm dương tính với vi rút Zika.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

   Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết thêm: ngày 22/3/2016, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam đã nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan đầu mối Australia thông báo tại nước này ghi nhận một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Trường hợp này đến Việt Nam từ ngày 26/02/2016 và xuất cảnh về Úc ngày 06/3/2016; đến ngày 08/3/2016 có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika (sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn). Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận. “Hiện chưa khẳng định chắc chắn trường hợp này có nhiễm Zika ở Việt Nam hay không do chưa có đầy đủ thông tin, bằng chứng về lộ trình đi đến của trường hợp này sau khi rời Việt Nam”. Tuy nhiên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng nhận định: nguy cơ dịch bệnh do virus Zika xâm nhập vào nước ta và lây lan tại cộng đồng là “hoàn toàn có thể” nước ta có sự giao lưu, đi lại, thương mại, du lịch rộng rãi với các quốc gia đang có dịch; đồng thời, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại các địa phương, đây cũng là loại muỗi truyền bệnh do vi rút Zika, phần lớn bệnh nhân nhiễm vi rút Zika (80%) không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Thêm vào đó do chưa có miễn dịch trong cộng đồng và người dân còn chưa tự giác, chủ động thực hiện việc ngăn ngừa muỗi đốt, diệt muỗi, loang quăng bọ gậy nên khi vi rút Zika xâm nhập vào nước ta dễ lây lan trên diện rộng.

   Cũng trong cuộc họp, đại diện của Tổ chức y tế thế giới nhận định, dịch bệnh do vi rút zika trong thời gian tới sẽ tiếp tục lan rộng. WHO cũng khẳng định tình trạng dịch bệnh do vi rút zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế và cho rằng sự lan truyền của vi rút zika sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

 

   Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Dịch bệnh do virus Zika đang lây lan nhanh trên thế giới và Việt Nam là nước có nguy cơ cao vì một số nước láng giềng và nhiều nước trong khu vực đã ghi nhận sự lưu hành của dịch bệnh này. Trong khi đó, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại các địa phương ở nước ta, đây cũng loại muỗi truyền bệnh do virus Zika. Bộ trưởng cho biết thêm: Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh và tăng cường công tác phòng chống dịch do vi rút Zika. Tính đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc zika. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả Bộ trưởng đề nghị cần tăng cường việc giám sát tại cộng đồng trong đó cần có chỉ định cụ về đối tượng lấy mẫu, địa bàn lấy mẫu, cũng như thời điểm lấy xét nghiệm. Bên cạnh đó các Trung tâm YTDP tuyến tỉnh và huyện cần tăng cường chủ động trong việc lấy mẫu giám sát; Ngoài ra các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo phòng chống dịch của Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về diệt muỗi, loăng quăng.

   Bộ trưởng cũng đề nghị các thành viên trong ban chỉ đạo cần phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch, với các khách sạn lớn để có thể tăng cường giám sát trong cộng đồng, khu vực sân bay, những khu vực có nhiều khách du lịch nước ngoài lưu trú. Ngoài ra các cơ quan truyền thông cần tập trung vào việc đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân các biện pháp phòng chống dịch, chủ động diệt muỗi, loăng quăng tại nơi mình sống và trong cộng đồng. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Việc truyền thông cần phải đúng, chính xác, tránh gây hoang mang trong dư luận.

   Nhằm đảm bảo cho công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, Bộ Y tế mạnh mẽ khuyến cáo người dân nên chủ động theo dõi thông tin cập nhật về dịch bệnh trên các website chính thức của ngành y tế, tuân thủ các quy định về y tế, hạn chế đi đến các vùng có dịch lưu hành khi không cần thiết, đặc biệt là phụ nữ có thai hoặc có ý định mang thai, chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh và sẵn sàng phối hợp với cán bộ y tế trong các hoạt động cần thiết khi có dịch bệnh xảy ra.

   Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 30/3/2016 đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Dịch bệnh lưu hành rộng tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe như: Brazil (0,4 – 1,3 triệu trường hợp trong năm 2015), Colombia (55724 trường hợp trong 5 tháng qua), Panama, Cabo Verde ( 7499 trường hợp trong 5 tháng qua), ... tại khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng đã có nhiều nước ghi nhận sự lưu hành của vi rút như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào, Căm Pu Chia, ....

    Đến nay, WHO cho rằng dịch bệnh do vi rút Zika sẽ tiếp tục lan rộng và khẳng định tình trạng dịch bệnh do vi rút Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế và cho rằng sự lan truyền của vi rút Zika sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

    Đường lây truyền chính của vi rút Zika là qua muỗi, ngoài ra 05 nước đã có bằng chứng cho thấy vi rút Zika có thể lây truyền qua đường tình dục (Argentina,  France,  Italy,  New  Zealand  và Mỹ), đường truyền máu, truyền dịch và lây truyền từ mẹ sang con, tuy nhiên chưa có bằng chứng về việc lây truyền qua sữa mẹ.

            Đến nay 3 nước đã báo cáo ghi nhận sự gia tăng của chứng đầu nhỏ có liên quan đến vi rút Zika (Brazil (907), French Polynesia (8), Panama (1)), ngoài ra Mỹ và Slovenia cũng đã ghi nhận trường hợp mắc chứng đầu nhỏ từ bà mẹ về từ vùng dịch. Có 12 nước đã báo cáo gia tăng các trường hợp mắc hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (Guillain-Barré) gồm: Colombia, Brazil, El Salvador, French Polynesia, Honduras,Suriname, Venezuela, French Guiana, Haiti, Martinique, Panama, Puerto Rico. Tuy nhiên, WHO cho rằng vẫn cần có thêm những bằng chứng khoa học để khẳng định chắc chắn mối liên quan này.

   WHO khuyến cáo không áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại với các quốc gia đang có dịch.

 

 

 

 

   

 

Nguồn: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Gia đìnhKênh truyền hình sức khỏeSức khỏe đời sốngTạp chí dượcTạp chí y dượcY học thực hànhsức khỏe đời sống.