Tìm kiếm
Tìm trên bản đồ
Trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá thế nào về website này?
Thống kê truy cập
Truy câp trong tuần 44.796
Truy câp trong tháng 96.923
Truy câp trong năm 977.797
Truy câp tổng 4.473.872
Truy câp hiện tại 9.512
Tiêm vắc-xin viêm gan B
Ngày cập nhật 20/05/2015

Viêm gan siêu vi B (VGSVB) đang là một mối quan tâm của cộng đồng khi có đến 20% trường hợp bị nhiễm siêu vi B mãn tính sẽ tiến triển thành xơ gan và có đến 2,5% số bệnh nhân xơ gan mỗi năm có nguy cơ bị ung thư gan. Khi đã mắc bệnh thì việc điều trị khá phức tạp, tốn kém, nên việc tiêm ngừa đã được nhiều nước trên thế giới đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%) đặc biệt tỷ lệ mang virut viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.

Viêm gan B là một bệnh gây ra sưng tấy và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do virut viêm gan B. Viêm gan B ở sơ sinh có đến 90% không có biểu hiện lâm sàng, sau hàng chục năm mới có biểu hiện xơ gan, ung thư gan và tử vong.

Virut viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu vào thời gian sinh đẻ. Ở thời điểm này, khi tử cung co thắt, các mạch máu nơi nhau bám cũng bị co thắt có thể giúp máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con (bình thường máu mẹ và máu con không tiếp xúc nhau mà chỉ trao đổi chất tại bánh nhau) hoặc khi trẻ chui qua ống âm đạo của mẹ, sự lây truyền sẽ diễn ra trong thời điểm này. Nếu mẹ có HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virut viêm gan B. Chính vì vậy, tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau khi sinh nhằm mục đích phòng chống lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con là chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và là chỉ đạo của Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trong phòng chống bệnh viêm gan B.

Tiêm ngừa VGSVB cho trẻ sơ sinh mang lại rất nhiều lợi ích: phòng ngừa bệnh cho cả một thế hệ, trẻ bị nhiễm ở lứa tuổi sơ sinh rất dễ chuyển thành mãn tính và trở thành nguồn lây.Việc tiêm vắc-xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Lịch tiêm ở trẻ dưới 1 tuổi:

- Vắc xin VG B liều sơ sinh: Càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh (trong vòng 24 giờ)

- Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ 2 tháng tuổi

- Mũi tiêm thứ 2: khi trẻ 3 tháng tuổi

- Mũi tiêm thứ 3: khi trẻ 4 tháng tuổi

          Hiện nay, mũi 1, 2, 3 được tiêm với vắc xin Quinvaxem( 5 trong 1): Phòng bệnh Bạch hầu- Ho gà- Uốn ván -Viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib.

Với trẻ em và người lớn: Ở nước ta tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%), nên nhiều trẻ em và người lớn có khả năng đã bị nhiễm. Do đó, trước khi chủng ngừa cần xét nghiệm máu để biết mình đã bị nhiễm chưa. Xét nghiệm tối thiểu trước khi chủng ngừa là HBsAg (cho biết có đang nhiễm hay không) và antiHBs (cho biết cơ thể đã được bảo vệ hay chưa)

  • Nếu HBsAg (-) va antiHBs (+) nghĩa là đã bị nhiễm nhưng đã khỏi bệnh và cơ thể đủ sức tạo ra kháng thể bảo vệ nên không cần tiêm ngừa.
  • Nếu HBsAg (-) và antiHBs (-) là có thể hoàn toàn chưa bị nhiễm thì nên chích ngừa
  • Nếu HBsAg (+) và antiHBs (-) là cơ thể đang bị nhiễm mà chưa được bảo vệ cũng không cần phải chủng ngừa, mà tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ quyết định điều trị hay theo dõi.

Hiện nay, đa số các trường hợp người ta áp dụng lịch chủng ngừa: 0 -1- 6, có nghĩa là hai mũi tiêm đầu cách nhau một tháng để tạo miễn dịch cơ bản ban đầu, còn mũi thứ ba tiêm nhắc lại cách sáu tháng tính từ mũi đầu tiên.

Vắc-xin VGB là một trong những vắc-xin an toàn, các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra như: sưng, đau tại chỗ tiêm 1-3%; sốt 0,4-8% hoặc mệt mỏi, kích thích 8-18%, những trường hợp phản ứng nặng như sốc phản vệ là rất hiếm gặp 1/1,1 triệu liều tiêm.

Đối với mỗi người việc tiêm phòng vắc-xin lúc còn trẻ để không chỉ bảo vệ cho mình, cho người vợ/chồng, con cái, người thân xung quanh mà còn cho cả cộng đồng./.

BS Đặng Văn Tuấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Gia đìnhKênh truyền hình sức khỏeSức khỏe đời sốngTạp chí dượcTạp chí y dượcY học thực hànhsức khỏe đời sống.