Tìm kiếm
Tìm trên bản đồ
Trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá thế nào về website này?
Thống kê truy cập
Truy câp trong tuần 44.771
Truy câp trong tháng 96.898
Truy câp trong năm 977.772
Truy câp tổng 4.473.847
Truy câp hiện tại 9.508
Ung thư cổ tử cung và vắc-xin phòng bệnh.
Ngày cập nhật 05/05/2015

Trên thế giới, ung thư cổ tử cung cũng là ung thư gây tử vong hàng thứ hai ở phụ nữ; khoảng 650 phụ nữ tử vong mỗi ngày. Khoảng 630 triệu người (1/ 10 người) nhiễm HPV và hơn 50% nam và nữ trong độ tuổi sinh hoạt tình dục sẽ bị nhiễm HPV. Hầu hết cá thể sẽ tự khỏi bệnh nhiễm HPV. Tuy nhiên, một vài trường hợp nhiễm trùng các týp HPV nguy cơ cao có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung nếu không được phát hiện và điều trị. Ở nước ta, theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 10.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ hai ở Việt Nam.

Mặc dù ung thư nói chung là một bệnh có nguyên nhân từ rối loạn về quá trình sản sinh và tái sản sinh tế bào, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy ung thư cổ tử cung xuất phát từ nhiễm trùng. Virus HPV (Human Papilloma Virus) được cho là nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung. Phụ nữ có thể bị nhiễm loại virus “thầm lặng” và dễ lây này thông qua các con đường quan hệ tình dục. HPV có khoảng 120 týp khác nhau, trong đó có 30 - 40 týp HPV liên quan đến tổn thương đường sinh dục. Nhiễm HPV týp 16, 18 là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ung thư và các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo. Nhiễm HPV týp 6, 11 dễ gây mụn cóc sinh dục. HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, do vậy, để việc phòng ngừa có hiệu quả cao nên tiêm ngừa trên những người chưa quan hệ tình dục. Theo một nghiên cứu tổng hợp gần đây, có đến 96% các trường hợp ung thư cổ tử cung có tiền sử bị nhiễm HPV.

Đối với ung thư cổ tử cung, quá trình phát triển của một tế bào bình thường đến ung thư được chia ra làm 4 giai đoạn chính, từ nhẹ đến nặng như sau:

  • Giai đoạn 1 (bị nhiễm HPV). Như nói trên phần lớn ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV, nhưng không phải bất cứ ai bị nhiễm HPV đều có ung thư! Trong thực tế, ở độ tuổi đôi mươi (hay khi mới có quan hệ tình dục), có khoảng 60% đến 80% phụ nữ bị nhiễm virút HPV; nhưng sau 12 tháng, 70% trong số này không còn bị nhiễm nữa và sau 24 tháng chỉ còn 9% tiếp tục bị nhiễm HPV.

Sau khi bị nhiễm HPV, một trong ba tình huống lâm sàng sẽ xảy ra: hoặc là virút chỉ thụ động (tức là chỉ có mặt trong tế bào nhưng không gây tác hại); hoặc là virút sẽ gây nên một vài bệnh liên quan đến cổ tử cung; hoặc virút sẽ tiến triển và làm hại tế bào gây tên tình trạng “tiền ung thư”.

  • Giai đoạn 2 ( tiền ung thư). Phụ nữ nằm trong tình trạng này vẫn bình thường và vẫn chưa thể gọi là mắc bệnh “ung thư”. Chỉ có khoảng 10% phụ nữ bị nhiễm HPV (giai đoạn 1) trở thành tiền ung thư. Phần lớn những phụ nữ bị tiền ung thư thường ở độ tuổi 25 đến 29.
  • Giai đoạn 3 ( ung thư chưa/không di căn - carcinoma in-situ). Ở giai đoạn này, tế bào có dấu hiệu ung thư nhưng chỉ giới hạn trong cổ tử cung và do đó điều trị có thể đem lại kết quả khả quan. Một số trường hợp ung thư cổ tử cung ở giai đoạn này cũng không phát triển thêm và một số trường hợp thì bệnh tự nhiên biến mất!
  • Giai đoạn sau cùng (là ung thư di căn), tức là tế bào ung thư xâm lấn sang các cơ phận khác, đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Nhưng chỉ khoảng 1% trường hợp từ giai đoạn 2 phát triển thành loại ung thư nguy hiểm ở giai đoạn cuối này. Phần lớn phụ nữ mắc bệnh trong giai đoạn này là 50 tuổi trở lên( sau thời kì mãn kinh).

Bệnh ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được bằng 2 cách: khám tầm soát định kỳ và tiêm văcxin để phòng nhiễm các týp HPV gây ung thư cổ tử cung. 

- Khám tầm soát bằng xét nghiệm thực hiện nhanh, đơn giản, không gây đau, để kịp thời phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm này không ngăn ngừa được ung thư cổ tử cung gây ra do nhiễm HPV.

- Phương pháp vắc-xin phòng bệnh bằng cách giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện và tiêu hủy virus HPV trước khi virus xâm nhập vào cổ tử cung để gây bệnh. 

Việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi phụ nữ được chủng ngừa kết hợp với khám tầm soát định kỳ. 

Tiêm vắc-xin HPV được coi là phương pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả. Hiện nay có hai loại vắc xin được sử dụng rộng rãi trên thế giới đó là Gardasil và Cervarix. Cả hai loại này có thể ngăn chặn hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung nếu trước khi nữ giới tiếp xúc với vi rút gây bệnh. Ngoài ra, cả hai có thể ngăn ngừa ung thư âm đạo và âm hộ ở phụ nữ và Gardasil có thể ngăn chặn các mụn cóc ở bộ phận sinh dục ở phụ nữ và nam giới. Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Queen Mary ở London tìm thấy loại vắc-xin mới, Gardasil 9, có tác dụng chống lại ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo (do HPV gây ra) tới hơn 90%. Loại vắc-xin mới có thể bảo vệ chống lại 9 loại của virus HPV, 7 trong số đó gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Hiện nay, tại Việt Nam đã có vắc-xin ngừa những týp HPV gây ung thư phổ biến nhất.

Khoảng 30% trường hợp ung thư cổ tử cung không thể phòng tránh bởi các vắc xin phòng chống HPV hiện nay, do đó tầm soát ung thư cổ tử cung vẫn cần duy trì cho tất cả các phụ nữ, ngay cả đối với những phụ nữ đã được tiêm ngừa vắc xin HPV, đặc biệt những chị em đã có gia đình cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) định kỳ, ít nhất 1 năm/1 lần, để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh.

Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung có hiệu quả nhất khi bạn gái chưa quan hệ tình dục và ở trong độ tuổi từ 9-26. Phụ nữ đã lập gia đình hoặc có quan hệ tình dục vẫn hoàn toàn có thể tiêm ngừa ung thư cổ tử cung vì các nghiên cứu đều cho thấy vắc-xin vẫn có hiệu quả rất tốt cho các đối tượng này. Thuốc chỉ không có tác dụng với những người đã bị ung thư mà thôi.

Tuy nhiên, trước khi tiêm nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung để tầm soát ung thư cổ tử cung vì có nhiều nguyên nhân khác gây ung thư cổ tử cung ngoài nhiễm HPV.

Tiêm ba mũi vắc xin trong khoảng 6 tháng đối với cả hai loại vắc xin này, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1-2 tháng và mũi thứ 3 tiêm sau mũi tiêm thứ nhất 6 tháng.

Chú ý:

- Trong thời gian mang thai hoặc những người bị bệnh nặng không tiêm ngừa. Sau khi tiêm xong nếu thấy có hiện tượng phản ứng sau tiêm thì nên tới gặp bác sĩ.

- Cho dù có tiêm ngừa hay không vẫn phải tầm soát ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung vì có nhiều nguyên nhân khác gây ung thư cổ tử cung ngoài nhiễm HPV.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng vắc-xin này không phải dùng để chữa trị mà để phòng chống ung thư. Điều này cũng có nghĩa là không nên đánh giá thấp các biện pháp phòng chống khác như phát động phong trào sống khỏe (healthy living), tuyên truyền giáo dục phụ nữ cẩn thận với quan hệ tình dục, cải thiện chế độ ăn uống lành mạnh, giảm dùng thuốc ngừa thai, tránh hút thuốc lá hay gần người hút thuốc lá, v.v… là những biện pháp mà phụ nữ có thể tự làm được để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Hiện nay, tại phòng tiêm dịch vụ Trung tâm Y tế huyện Phú Vang đã và đang triển khai tiêm vắc-xin ngừa HPV (ung thư cổ tử cung): CERVARIX( 862.000 đ / một mũi tiêm).

Bs Đặng Văn Tuấn - PGĐ TTYT Phú Vang (Tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Gia đìnhKênh truyền hình sức khỏeSức khỏe đời sốngTạp chí dượcTạp chí y dượcY học thực hànhsức khỏe đời sống.