Bệnh được mô tả đầu tiên từ những năm 1640, được gọi là Ho gà bởi những cơn ho rũ rượi, thở rít vào. Trực khuẩn ho gà được Bordet-Gengou phân lập năm 1990. Mọi lứa tuổi, đều có thể bị ho gà, nhưng chủ yếu là trẻ em 1-6 tuổi. Trẻ càng ít tuổi bệnh càng nặng. Nhờ có vắc - xin phòng bệnh, tỉ lệ mắc bệnh đã giảm hẳn nhưng tử vong còn cao, nhất là lứa tuổi sơ sinh. Năm 2014 cả nước ghi nhận 107 ca mắc ho gà, trong đó tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội 23 ca, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng...
1. Lây truyền
Ho gà là một bệnh rất dễ lây lan, chỉ được phát hiện ở người và được lây truyền từ người sang người. Người bị ho gà thường lây bệnh khi tiếp xúc gần với những người khác, những người này hít thở phải vi khuẩn ho gà do vi khuẩn có trong những hạt nước bọt bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi ho, hắt hơi trực tiếp sang người lành. Phạm vi lây trong khoảng dưới 03 mét.
Trong khi vắc - xin ho gà là công cụ hiệu quả nhất mà chúng ta có để dự phòng bệnh này thì không có vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. Nếu bệnh ho gà lưu hành trong cộng đồng, khả năng mà một người ở bất cứ tuổi nào đã được tiêm phòng đầy đủ đều có thể mắc bệnh rất dễ lây lan này. Người đã được tiêm phòng thì nhiễm trùng thường ít nghiêm trọng hơn.
2. Các dấu hiệu và triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh ho gà thường xuất hiện trong vòng 5 – 7 ngày sau khi phơi nhiễm. Bệnh thường bắt đầu bằng triệu chứng giống như cảm lạnh và có thể có ho ít hoặc sốt nhẹ. Sau 1- 2 tuần thì ho nhiều bắt đầu. Không giống như cảm lạnh, ho gà có thể biểu hiện một loạt các cơn ho liên tục trong nhiều tuần.
Ở trẻ sơ sinh, ho có thể tối thiểu hoặc thậm chí không có. Trẻ sơ sinh có thể có một triệu chứng là “ngừng thở”. Ngừng thở là một tình trạng tạm dừng hô hấp của trẻ. Ho gà là bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ nhỏ.
Ho gà có thể gây ho dữ dội và ho nhanh, nhiều và nhiều nữa, cho tới khi khí ra khỏi phổi và người bệnh phải hít vào gắng sức tạo ra một tiếng rít lớn. Ho dữ dội có thể khiến người bệnh nôn khan và rất mệt. Thường không có tiếng rít và nhiễm trùng thường nhẹ hơn (ít nặng nề) ở thiếu niên và người lớn, đặc biệt là những người đã được tiêm chủng.
Các triệu chứng sớm có thể kéo dài trong 1 – 2 tuần và thường bao gồm:
- Chảy nước mũi
- Sốt nhẹ (thường nhẹ trong suốt quá trình bệnh)
- Ho nhẹ hoặc thúng thắng
- Ngừng thở – tạm dừng hô hấp (ở trẻ sơ sinh)
Bởi vì ho gà ở giai đoạn đầu dường như không có gì nhiều hơn so với cảm lạnh thông thường, cho nên nó thường ít được nghĩ tới và ít được chẩn đoán cho tới khi các triệu chứng nặng hơn xuất hiện. Người nhiễm bệnh dễ lây lan nhất vào khoảng 2 tuần sau khi bắt đầu ho. Kháng sinh có thể làm giảm khoảng thời gian dễ lây lan của người nhiễm bệnh.
Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng điển hình/kinh điển của ho gà xuất hiện bao gồm:
Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít vào và khạc đờm.
Ho: Ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm người bệnh thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, người bệnh thở rít vào nghe như tiếng gà rít.
Khạc đờm: Khi người bệnh khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà.
Sau mỗi cơn ho người bệnh bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Kèm theo có thể thấy một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ hoặc hoặc không sốt, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, nghe phổi trong cơn ho có thể thấy một số ran phế quản (ran rít, ngáy).
Mặc dù người bệnh thường kiệt sức sau mỗi cơn ho, nhưng lại thường có biểu hiện khá tốt giữa các cơn ho. Cơn ho thường trở lên phổ biến hơn và nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển, và có thể xuất hiện nhiều hơn về ban đêm. Bệnh có thể nhẹ hơn (ít nghiêm trọng hơn) và không có tiếng rít điển hình ở trẻ em, thiếu niên và người lớn đã được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà.
Phục hồi sau ho gà có thể diễn ra chậm, kéo dài khoảng 2 - 4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn.
3. Biến chứng
3.1. Biến chứng hô hấp
- Viêm phế quản: Trẻ sốt cao, nghe phổi có nhiều ran rít, ran ngáy. Đặc biệt ở một số trường hợp có thể gặp khạc ra đờm, mủ. Bạch cầu đa nhân trung tính ở máu ngoại vi tăng cao.
- Dãn phế quản: Thường là hậu quả của bội nhiễm phế quản - phổi. Thường khó phát hiện trên phim X quang thông thường. Trên phim chụp phế quản cản quang 50% trường hợp có dãn phế quản hình trụ hoặc hình ống, hình ảnh này sẽ hết khi khỏi bệnh ho gà.
- Viêm phổi - phế quản: Là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh nhân sốt cao, khó thở, nghe phổi có nhiều ran ẩm, ran nổ. X quang phổi có nhiều nốt mờ không đều rải rác 2 bên. Tử vong cao do suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời.
3.2. Biến chứng thần kinh
Viêm não là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật. Nếu được cứu thoát có thể để lại di chứng như liệt nửa người, liệt một chi, liệt dây thần kinh so não hoặc rối loạn tâm thần.
3.3. Biến chứng cơ học: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi.
3.4. Biến chứng khác: Xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác
4. Điều trị
Bệnh ho gà thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh và việc điều trị sớm rất quan trọng. Điều trị có thể khiến nhiễm trùng ít nghiêm trọng hơn nếu nó được bắt đầu sớm, trước khi những cơn ho xuất hiện. Điều trị cũng giúp dự phòng lây bệnh cho những người tiếp xúc gần (những người đã dành nhiều thời gian ở xung quanh người nhiễm bệnh). Điều trị sau 3 tuần bị bệnh gần như không giúp ích gì bởi vì vi khuẩn đã biến mất khỏi cơ thể của người bệnh, ngay cả khi người bệnh còn triệu chứng. Điều này là do vi khuẩn đã gây tổn thương cơ thể của người bệnh. Bệnh ho gà đôi khi rất nghiêm trọng, cần được điều trị tại bệnh viện. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhất bị các biến chứng nặng do bệnh ho gà.
Lưu ý khi được BS chỉ định điều trị tại nhà:
- Không cho thuốc ho trừ khi có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Cho thuốc ho có thể sẽ không giúp ích gì và nó thường không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 4 tuổi.
- Tuân thủ liệu trình sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ
- Giữ cho nhà cửa không có các chất kích thích, càng nhiều càng tốt, vì nó có thể kích thích gây ho, chẳng hạn như khói thuốc, bụi, và hơi hóa chất
- Sử dụng bình xịt hơi sương sạch và mát để giúp làm lỏng chất tiết và làm dịu ho
- Thực hành rửa tay tốt
- Uống nhiều chất lỏng, bao gồm nước, nước trái cây và súp, và ăn nhiều hoa quả để dự phòng mất nước (thiếu dịch). Thông báo ngay lập tức với bác sĩ bất cứ dấu hiệu mất nước nào phát hiện được. Các dấu hiệu mất nước bao gồm miệng khô và dính, buồn ngủ hoặc mệt mỏi, khát, tiểu ít hoặc tã ướt ít hơn, không có nước mắt khi khóc, yếu cơ, đau đầu, chóng mặt hoặc hoa mắt.
- Ăn các bữa nhỏ và thường xuyên giúp dự phòng nôn nếu có.
5. Dự phòng
5. 1. Vắc - xin
Cách tốt nhất để dự phòng ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên và người lớn là tiêm chủng. Ho gà được xếp vào một trong 6 bệnh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Vắc - xin ho gà đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong ở nước ta. Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ được tiêm văcxin phối hợp để phòng 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Trong đó, tiêm mũi một khi trẻ 02 tháng tuổi, mũi hai khi trẻ 03 tháng và mũi ba khi trẻ 04 tháng. Trẻ tiêm thêm mũi thứ 4 nhắc lại khi được 18 tháng tuổi.
5. 2. Vệ sinh
Thực hành vệ sinh tốt luôn được khuyến cáo để dự phòng sự lây lan của bệnh:
- Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho và hắt hơi. Bỏ khan giấy đã dùng vào thùng rác
- Rửa bàn tay thường xuyên bằng xà phòng và nước nước sạch.
- Giữ trẻ sơ sinh và người có nguy cơ cao bị biến chứng do bệnh ho gà xa những người bị nhiễm bệnh.