Cần bù đủ lượng nước cho cơ thể
Ngày hè, nhiệt độ ngoài trời thường lên đến 39- 40 độ C, lượng nước trong cơ thể nhanh bị ‘bốc hơi’ qua mồ hôi và hơi thở. Mất nước kèm theo đó là muối, đường, khoáng… gây tình trạng mất nước cho cơ thể. Mồ hôi ra càng nhiều thì cơ thể càng bị mất nước, cơ thể sẽ có cảm giác mệt mỏi, choáng thậm chí bị nhức đầu, khó thở..., đặc biệt ở trẻ em và người già. Nhiều trường hợp trẻ về đêm có biểu hiện sốt nhưng trong ngày trẻ lại sinh hoạt bình thường, đó chính là hiện tượng sốt do mất nước ở trẻ. Trẻ nhỏ không chỉ chịu tác động của nền nhiệt cao, mà còn do trẻ hay hiếu động, đùa nghịch, chạy nhảy nên lượng mồ hôi ra nhiều hơn rất nhiều so với người lớn. Mặc khác do cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện, khả năng điều nhiệt kém, nên gặp thời tiết nắng nóng, mất nước nhiều trẻ dễ bị sốt. Người già, nguy cơ mất nước do nắng nóng cũng rất cao. Khi nhiệt độ tăng cao, người già rất khó thích ứng kịp vì ‘trung tâm điều nhiệt’ không còn nhạy cảm như thời trẻ, dẫn đến việc điều chỉnh thân nhiệt không kịp thời. Đồng thời, ‘trung tâm báo khát’ ở người già cũng hoạt động kém đi, nên khi cơ thể bị thiếu nước nhưng họ không cảm thấy khát, không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể. Từ đó, dễ dẫn đến tình trạng say nóng, dễ mắc bệnh hoặc bệnh sẵn có trở nặng hơn trong những ngày nhiệt độ tăng cao.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nhu cầu về nước trong những ngày hè nóng bức rất lớn, vì vậy cần phải bổ sung nước kịp thời để bù vào lượng mồ hôi đã thoát ra nhằm cân bằng nhiệt độ cơ thể, tránh cảm giác mệt mỏi căng thẳng không đáng có. Bình thường, mỗi ngày nhu cầu nước cho mỗi người khoảng 1,0 lít/ngày (bao gồm cả các loại nước khác), ngày hè nhu cầu nước có thể tăng thêm, khoảng 1,5-2 lít/ngày. Tuy nhiên, trong ngày hè không phải cứ uống càng nhiều nước là càng tốt. Uống nước quá nhiều sẽ gây quá tải cho thận, kèm theo là các dưỡng chất và các nguyên tố vi lượng cũng theo hệ bài tiết ra ngoài. Khi uống nước cần uống chậm rãi, từ từ từng ngụm một. Uống chậm có tác dụng 'đánh thức' bộ máy tiêu hoá chuẩn bị làm việc và tránh khả năng bị chướng bụng, đầy hơi. Đồng thời khi uống nước cũng cần hạn chế sử dụng nhiều đá hoặc nước uống quá lạnh. Vì nước quá lạnh hay nước đá sẽ làm hạ nhiệt trong cơ thể và làm chậm lại quá trình trao đổi chất, mặt khác dễ gây viêm họng, tạo cảm giác giải khát 'giả'.
Tăng cường rau xanh, trái cây
Rau xanh là loại thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn, đặc biệt vào mùa hè nhu cầu về rau xanh trong các gia đình lại càng được tăng cao. Các món rau được ưa chuộng trong mùa hè thường là rau muống, rau ngót, rau dền, rau mùng tơi nấu canh cua, canh bầu nấu với tôm, cà tím nấu bung… Rau sống, rau tươi cũng là thực đơn được nhiều gia đình lựa chọn. Vì ăn rau sống sẽ tạo cảm giác ngon miệng, dễ ăn và cũng là cách để cơ thể có thể hấp thu được nhiều vitamin trong rau nhất. Tuy nhiên việc ăn rau chưa qua chế biến cũng dễ bị nhiễm khuẩn gây bệnh, bởi vậy rau cần ngâm kỹ trong nước khoảng 30 phút rồi rửa thật sạch trước khi ăn. Bên cạnh rau xanh thì sử dụng nhiều trái cây cũng là cách lý tưởng giúp cơ thể bù được lượng nước và cung cấp các vitamin cần thiết. Những loại trái cây nên ăn là các loại trái cây giàu vitamin C và giải nhiệt tốt như cam, quýt, bưởi, chuối, táo, đu đủ, dưa hấu… Các loại trái cây nên hạn chế là một số trái cây có hàm lượng đường cao, sinh nhiều năng lượng, không nên ăn nhiều như mít, xoài, vải, nhãn.
Bảo đảm an toàn thực phẩm
Vào mùa nắng nóng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính tăng gấp nhiều lần so với các mùa khác trong năm. Do điều kiện thời tiết nóng ẩm, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật làm thực phẩm dễ bị ôi thiu. Ăn uống phải đảm bảo vệ sinh để tránh những bệnh lây qua đường tiêu hóa. Cần lựa chọn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn; thực hiện vệ sinh tay đúng cách, luôn rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn. Tất cả vật dụng nấu ăn và dùng để ăn cần sạch sẽ và tiệt trùng thường xuyên qua nhiều cách như phơi nắng hoặc dùng máy sấy hoặc để nơi thoáng mát không ẩm ướt. Nấu ăn chín là một cách tốt để đảm bảo thức ăn không chứa vi khuẩn gây ngộ độc, nên ăn ngay sau khi chế biến xong. Một nguyên tắc chung là giữ thực phẩm sống như thịt, cá được bao phủ ở dưới cùng của tủ lạnh và thức ăn nấu chín ở trên cùng. Bằng cách đó, nước từ thịt sống không chảy xuống thực phẩm đã chín.
Ngoài ra cần lưu ý, buổi tối trước khi ngủ, tránh ăn nhiều thực phẩm thịt, rau vì chúng làm khó ngủ. Uống nhiều nước sẽ làm bàng quang bị căng đầy, phải thường xuyên thức giấc đi tiểu. Tránh uống cà phê và thức uống có gas hoặc hút thuốc lá. Có thể uống trà tim sen để giúp làm mát cơ thể, dễ ngủ./.