Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần tuổi học đường như: áp lực học căng thẳng, nhất là vào mùa thi. Nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng quá nhiều ở con cái và điều này cũng tạo áp lực cho các em; Sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè là những yếu tố stress dẫn đến các bệnh lý về tâm thần. Ngoài ra, những thói quen không tốt khi ngủ: thức quá khuya, ngủ dậy muộn; nghiện game, chơi điện tử quá nhiều dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng học hành, sức khỏe, là một mắc xích trong vòng xoắn bệnh lý của các rối loạn tâm thần.
Một số bệnh rối loạn tâm thần như bệnh trầm cảm, bệnh rối loạn lo âu, bệnh lý loạn thần,… đang ngày càng phổ biến hiện nay.
Bệnh trầm cảm: Ở lứa tuổi học sinh tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4% - 6%, với tỉ lệ mắc bệnh có thể tới 16%. Trầm cảm thường xuất hiện với những biểu hiện sau: Cảm giác quá buồn chán hoặc thất vọng, tuyệt vọng; cảm thấy không còn sự hy vọng và luôn cho rằng mọi việc đối với mình sẽ không bao giờ có thể tốt lên được; mất đi những sở thích tham gia vào các hoạt động mà trước kia mình hứng thú; giảm hoặc mất đi sự ngon miệng; gầy sút cân hoặc tăng cân trong một thời gian ngắn, mà không có một căn bệnh nào khác của cơ thể, có những rối loạn về giấc ngủ, hay quên, kém tập trung vào công việc; có ý nghĩ muốn chết, có thể có hành vi tự sát hay hủy hoại bản thân.
Bệnh rối loạn lo âu: Rối loạn lo âu thường có biểu hiện như bồn chồn, bứt dứt, khó chịu, đứng ngồi không yên; vã mồ hôi; run tay chân; ngủ kém, cảm giác đau đầu, đau dạ dày, căng đau ở cơ; cảm xúc không ổn định, trẻ biểu hiện chậm chạp, thường xuyên vắng mặt ở lớp học, ít tham gia vào các hoạt động giao lưu với bạn bè ở lớp; trẻ lo lắng quá mức.
Bệnh lý loạn thần: Là một trạng thái rối loạn tâm thần ít gặp hơn so với rối loạn lo âu trầm cảm. Thường thì đây là một bệnh lý nặng và những stress căng thẳng khi thi cử là yếu tố thúc đẩy khởi phát của tình trạng loạn thần. Tuy ít gặp hơn nhưng rối loạn loạn thần cấp thường là bệnh nặng, phải điều trị nội trú, người bệnh thường biểu hiện với những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi tác phong nhiều. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bệnh biểu hiện từ từ, kín đáo, và đến khi phát hiện bệnh thì người bệnh đã ở trạng thái bệnh nặng.
Trong những trường hợp nêu trên, các chuyên gia tâm lí cho rằng có sự thiếu quan tâm sát sao của các phụ huynh với nhà trường, với bạn bè trong cùng lớp học của các em. Vì vậy, việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường và có sự liên lạc trao đổi với các bạn học cùng lớp của các em là một vấn đề vô cùng quan trọng. Cần phải tạo sự gần gũi gắn bó với con cái, để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ với cha mẹ khi gặp phải khó khăn trong việc học hành, trong các mối quan hệ xã hội. Hiểu về căn bệnh mà trẻ gặp phải và điều này sẽ giúp cha mẹ, thầy cô thông cảm với sự lo lắng mà trẻ đang gặp phải. Người lớn biết lắng nghe cảm xúc mà trẻ tâm sự là một cách giúp đỡ trẻ hiệu quả. Giữ cho trẻ thật bình tĩnh khi trẻ quá lo lắng về một vấn đề gì đó.
Ngoài ra, thầy cô giáo và bạn bè cùng kết hợp với gia đình để giúp những bạn có vấn đề về sức khỏe tâm thần hòa nhập vào tập thể. Trên thực tế, nhiều bạn học sinh bị bệnh nhưng không muốn đi gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần vì mặc cảm, sợ sự kỳ thị của xã hội, có những trường hợp còn không biết giải quyết vấn đề của mình như thế nào, cho rằng có khi bệnh của mình không chữa được, hoặc tự đi mua thuốc về uống hoặc có trường hợp lạm dụng rượu hay các chất kích thích khác. Và chúng ta cần giải thích cho trẻ là có thể chữa được những căn bệnh này bằng cách gặp các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các bác sĩ tâm lý.
Một số hình ảnh minh họa: