Dựa vào cơ sở thực tế triển khai chương trình điều trị và chăm sóc HIV/AIDS tại Việt Nam, cũng như các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2016 và 2017, Quyết định này có những điểm chính được cập nhật:
1. Thời điểm làm xét nghiệm kháng thể kháng HIV ở trẻ phơi nhiễm với HIV: là khi trẻ đủ 9 tháng (trẻ có kết quả PCR lần 1 âm tính, không bú sữa mẹ) hoặc khi trẻ từ 9 tháng tuổi (trẻ có kết quả PCR lần 1 âm tính, sau khi cai sữa mẹ hoàn toàn 3 tháng);
2. Tiêu chuẩn bắt đầu điều trị thuốc kháng vi rút HIV (ARV): điều trị ARV cho tất cả người nhiễm HIV không phụ thuộc giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào CD4;
3. Trong theo dõi đáp ứng điều trị ARV: xét nghiệm tải lượng HIV được khuyến cáo thực hiện thường quy, là phương pháp tốt nhất để theo dõi đáp ứng với điều trị ARV. Còn xét nghiệm định lượng tế bào CD4 được thực hiện ban đầu, nhằm để quyết định điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội hoặc khi người bệnh không tiếp cận được với xét nghiệm tải lượng HIV thường quy.
4. Bổ sung nội dung về tư vấn tăng cường tuân thủ điều trị ở người bệnh khi có tải lượng HIV ≥ 200 bản sao/mL;
5. Hướng dẫn sử dụng các thuốc ARV mới: Darunavir (DRV/r), Dolutegravir (DTG) và Raltegravir (RAL) được chỉ định cho một số trường hợp và trong phác đồ điều trị bậc ba;
6. Tần suất tái khám, kê đơn, cấp thuốc ARV: đối với người bệnh người lớn, nếu được xác định điều trị ARV ổn định, thì có thể tái khám, kê đơn, cấp thuốc ARV với số lượng thuốc sử dụng tối đa 90 ngày.
“Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS” vừa được Bộ Y tế ban hành, với mục tiêu chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV sớm và chăm sóc toàn diện cho người nhiễm. Khi người nhiễm HIV được chẩn đoán sớm, điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị tốt, không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm mà còn là thành tố tích cực giảm lây truyền HIV trong cộng đồng./.