Người có nghi ngờ mắc bệnh viêm não Nhật Bản( VNNB) thường có đặc điểm dịch tễ là những người sống trong vùng lưu hành của bệnh, đặc biệt vào mùa bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 5-15 ngày sau khi bị muỗi đốt. Sau đó từ 1-6 ngày, bệnh nhân sốt cao đột ngột kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn. Trong trường hợp điển hình, triệu chứng của bệnh VNNB gồm hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc và các triệu chứng của Hội chứng viêm não, màng não biểu hiện:
- Hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc: Sốt cao đột ngột 39-40oC, nhức đầu, da niêm mạc xung huyết, tuy nhiên xét nghiệm bạch cầu không tăng.
- Hội chứng não - màng não: Nhức đầu, buồn nôn, nôn, cứng gáy, sợ ánh sáng, sợ tiếng động...
- Rối loạn ý thức: Lơ mơ, vật vã, mê sảng, có thể co giật, rối loạn thần kinh thực vật (vã mồ hôi, mạch nhanh…), có thể có tổn thương thần kinh khu trú: bại, liệt, rung giật nhãn cầu.
Nguồn truyền nhiễm ở trong thiên nhiên là các loài chim, trong đó có một số loài ăn quả vải, quả nhãn. Nguồn truyền nhiễm gần người là một số gia súc, trong đó quan trong nhất là lợn nhà. Muỗi Culex tritaniorhynchus thường sống ở các ruộng lúa, chúng đốt hút máu các động vật như lợn và gia cầm nhiễm vi-rút rồi đốt người, qua đó truyền vi-rút cho người. Người là vật chủ ngẫu nhiên trong chu kỳ lây truyền. Vi-rút được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa vi-rút. Bệnh không lây truyền từ người sang người.
Bệnh VNNB là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do có tỷ lệ tử vong cao (25-80%) và những di chứng của bệnh sau khi điều trị khỏi là di chứng suốt đời mà hay gặp nhất là di chứng rối loạn tâm thần, động kinh, Parkinson. Tử vong thường xảy ra trong vòng 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chúng tổn thương hành não. Tử vong trong giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng đặc biệt như viêm phổi, suy kiệt. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị triệu chứng chống phù não, chống bội nhiễm, săn sóc và dinh dưỡng tốt.
Bệnh VNNB chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tiêm vắc xin VNNB là biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả nhất. Ngoài ra phối hợp các biện pháp phòng chống khác như kiểm soát muỗi Culex truyền bệnh; kiểm soát động vật mang vi rút gây bệnh; thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên, quy hoạch và cải tạo khu vực dân cư, khu chuồng trại chăn nuôi để giảm tác hại của véc tơ và vật chủ truyền bệnh.
Vắc-xin VNNB có thể sử dụng cho đối tượng người lớn và trẻ em từ đủ 12 tháng tuổi trở lên. Đối với vi-rút gây VNNB, thực hiện tiêm phòng vắc-xin đúng lịch là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất.
+ Liều gây miễn dịch cơ bản: Tiêm đủ 3 mũi :
· Mũi tiêm thứ 1: ngày 0
· Mũi tiêm thứ 2: ngày thứ 7 đến 14
· Mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 là 12 tháng.
+ Liều lượng: với trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi tiêm 0,5 ml/mũi; với trẻ từ 3 tuổi trở lên tiêm liều 1 ml/mũi.
+ Đường tiêm: dưới da, mặt ngoài trên cánh tay.
+ Liều tiêm nhắc lại: Miễn dịch của vắc-xin VNNB là miễn dịch không bền vững nên khoảng 3- 4 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Hiện nay tiêm phòng vắc-xin VNNB đã được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại các trạm y tế xã, thị trấn./.