Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khoẻ cho người được tiêm, ngăn ngừa khả năng bị bệnh nặng hoặc tử vong khi bị nhiễm SAR-CoV-2. Đặc biệt là việc tiêm vắc xin Covid-19 còn giúp bảo vệ những người xung quanh. Bởi vì, người được tiêm vắc xin đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm nCOV và ít có khả năng trở thành người mang virus không triệu chứng (hay còn gọi là người lành mang virus) cho nên ít có khả năng lây lan nCOV cho những người tiếp xúc, đặc biệt người cao tuổi có mắc bệnh mạn tính, bệnh nền. Quan trọng nữa là khi có nhiều người (khoảng trên 80%) trong diện được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 càng được hạn chế.
Tiêm vắc xin là gây miễn dịch chủ động do kháng thể được sinh ra và theo thời gian sau khi tiêm vắc xin khoảng 4-6 tháng, kháng thể sinh ra từ hai liều vắc xin cơ bản bị suy giảm dần. Vì vậy, tiêm nhắc lại (tiêm mũi 3 tăng cường) nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch làm cho kháng thể trong cơ thể lại được tăng lên nhằm chống lại tác nhân gây bệnh là SARS-CoV-2, nhất là trước những biến thể nguy hiểm như Delta hay Omicron. Cũng giống như mũi thứ hai, khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ đạt mức cao nhất sau hai tuần sau khi tiêm. Một nghiên cứu của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), được công bố gần đây, cho thấy rằng 2 tuần sau khi tiêm liều tăng cường của Pfizer, khả năng bảo vệ khỏi nhiễm bệnh là 93,1% ở những người đã tiêm AstraZeneca trước đó và 94% đối với Pfizer.
Liều nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 (mũi 3): Là liều vắc xin được sử dụng cho những người đã hoàn thành đủ số mũi tiêm cơ bản theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin (có thể là một hoặc hai liều vắc xin Covid-19 tùy thuộc vào loại vắc xin). Mục tiêu của liều nhắc lại này là khôi phục hiệu quả của vắc xin mà từ đó được coi là không còn đủ hiệu quả bảo vệ nữa.
Đối tượng tiêm liều nhắc lại: Là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Loại vắc xin để tiêm liều nhắc lại: Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA (Moderna, Pfizer); nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ virus (vắc xin Astrazeneca).
Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Ngoài ra, theo Công văn số 2357/BYT-DP ngày 09/5/2022 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) thì đối tượng gồm có: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng. Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19: Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp. Vắc xin sử dụng: Vắc xin mRNA (Pfizer hoặc Moderna), vắc xin do AstraZeneca sản xuất, vắc xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1). Khoảng cách tiêm: Ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1).
Hình ảnh tiêm vắc xin phòng Covid -19: