Tìm kiếm
Tìm trên bản đồ
Trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá thế nào về website này?
Thống kê truy cập
Truy câp trong tuần 50.337
Truy câp trong tháng 154.159
Truy câp trong năm 1.431.038
Truy câp tổng 4.927.113
Truy câp hiện tại 326
Cảnh giác bệnh Sốt xuất huyết ở người lớn
Ngày cập nhật 09/08/2019

  Hiện tại, dịch Sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước đang vào mùa cao điểm, tính đến ngày 04/8/2019 đã ghi nhận hơn 125.000 ca mắc, trong đó đã có 15 trường hợp tử vong, số mắc tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc SXH tích lũy trong 7 tháng qua là 31.787 ca, tăng 160% so với cùng kỳ năm 2018 và có 7 trường hợp  tử vong, trong đó có 5 trường hợp là người lớn, hầu hết đều nhập viện trễ. Số ca bệnh là người lớn cũng chiếm hơn 40% tổng số ca bệnh.

 Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây ra do muỗi đốt làm lây truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người lành. Vi rút Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10. Trước đây, bệnh SXH thường được cho là bệnh của trẻ nhỏ nhưng gần đây, số ca bệnh là người lớn đã tăng khá nhiều. Các bác sĩ khuyến cáo người lớn mắc bệnh SXH thường bệnh trở nặng rất nhanh và nguy cơ tử vong cao. Thực tế cho thấy người lớn mắc SXH, thậm chí là SXH thể nặng (xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng...) ngày càng nhiều. Tỷ lệ người bệnh bị xuất huyết não do SXH dù rất ít nhưng khi mắc thì đều nguy kịch. Đối với người lớn nhiễm bệnh SXH, có 2 dạng thường gặp là SXH biểu hiện ra bên ngoài và SXH nội tạng.

Dạng SXH có biểu hiện bên ngoài ở người lớn diễn biến bất thường và triệu chứng rầm rộ hơn trẻ em, thời gian sốt kéo dài 11-12 ngày.

SXH người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu...

Dạng SXH gây xuất huyết nội tạng (thường gặp xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não). SXH dạng này gây xuất huyết đường tiêu hóa ở người lớn, biểu hiện ban đầu rất bình thường chỉ sốt, không nổi ban. Sau 1-2 ngày, bệnh nhân đi ngoài ra máu, phân màu đen hoặc máu tươi số lượng không nhiều, trên da xuất hiện các chấm xuất huyết, da xanh, người mệt mỏi... SXH gây xuất huyết não cũng rất khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, thông thường người bệnh bị sốt, đau đầu, bị liệt (có thể liệt tay, chân hoặc liệt nửa người) và sau đó bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong.

Trong những ngày đầu tiên mắc SXH, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính. Nhiều người mắc SXH mà không biết, cứ nghĩ bị cảm cúm, sốt thông thường nên tự uống thuốc làm bệnh tiến triển nặng hơn. Đây là sự chủ quan bởi người lớn mắc SXH sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em. Người bệnh thường sốt cao liên tục, khi dùng hạ sốt có thể lui sốt nhưng lại có thể sốt tăng trở lại nhanh chóng sau 3 - 4 tiếng. Giai đoạn nguy hiểm nhất là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 kể từ sau khi nhiễm virus Dengue, bệnh SXH chỉ trở nặng sau khi bệnh nhân đã hết sốt, thường là ngày thứ 3 sau khi phát bệnh. Lúc đó mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận...

Trong SXH có 2 biến chứng hay gặp là giảm tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó biến chứng giảm tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó nhiều người khoẻ mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt. Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ. Cả hai biến chứng này đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng chảy máu thường dễ nhận biết và ít khi bị bỏ qua, biến chứng còn lại khó tự nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới tự phát hiện ra. Do đó, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo các biến chứng trên là điều rất quan trọng.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đưa ngay người bệnh tới bệnh viện gần nhất. Đây là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm:

 - Chảy máu: Các chấm hay đốm màu đỏ trên da; Chảy máu mũi, lợi; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen; Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo.

 - Nôn liên tục.

 - Đau bụng dữ dội.

 - Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật.

 - Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm.

 - Khó thở.

Cho đến thời điểm hiện tại ở nước ta vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo, trong mùa dịch SXH như hiện nay, khi bỗng nhiên sốt cao 39 - 400C, người dân cần phải chú ý đi khám, theo dõi tại nhà để kịp thời được phát hiện nguy cơ mắc SXH, các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng./.

BsCKI Đặng Văn Tuấn - Phó Giám đốc TTYT huyện Phú Vang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Gia đìnhKênh truyền hình sức khỏeSức khỏe đời sốngTạp chí dượcTạp chí y dượcY học thực hànhsức khỏe đời sống.