Tìm kiếm
Trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá thế nào về website này?
Bệnh do vi rút Zika
Ngày cập nhật 21/02/2016
(Ảnh minh họa)

Vi rút Zika lần đầu tiên được phát hiện trên loài khỉ ở rừng Zika tại Uganda vào năm 1947. Sau đó, bệnh tiếp tục được ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng vi rút lưu hành tại nhiều nước thuộc khu vực châu Phi.

Tại châu Á, trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 2007 tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Năm 2013, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại French Polynesia, sau đó lây lan ra các đảo trong khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả New Caledonia, đảo Cook, đảo Easter. Cũng trong năm 2013, Thái Lan đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika ở một số tỉnh, thành phố và Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho rằng vi rút Zika có thể đã lưu hành tại Thái Lan. Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika tại một số quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Phi như: Guatemala, El Salvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama, Brazil,...Đặc biệt, ngày 31/12/2015, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh do vi rút Zika tại quần đảo Puerto Rico. Mới đây nhất là Ecuador với 17 trường hợp nhiễm bệnh, và CH Dominican với 10 trường hợp. Trong số các quốc gia đang bị vi rút Zika hoành hành, Brazil bị ảnh hưởng nặng nhất.

Tại Việt Nam, hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika; tuy nhiên nguy cơ dịch có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; trong khi đó hiện nay người dân không có miễn dịch đối với vi rút Zika, đồng thời nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - loại muỗi truyền vi rút Zika.

Vi rút Zika thuộc họ vi rút Flaviviridae, rất gần với các vi rút gây nên bệnh sốt xuất huyết. Cũng như sốt xuất huyết, bệnh được lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi Aedes (muỗi lan truyền bệnh sốt xuất huyết). Khi nhiễm vi rút Zika qua muỗi đốt, thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 3 đến 12 ngày. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như: Sốt nhẹ 37.5oC đến 38oC; Ban rát sẩn trên da; đau đầu, đau mỏi cơ khớp; viêm kết mạc mắt. Đặc biệt bệnh có thể có biến chứng về thần kinh: Guillain Barre, viêm não màng não, hoặc hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai.

 Hầu hết các trường hợp nhiễm vi rút Zika có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa, hoặc không có triệu chứng lâm sàng, do đó nhiều trường hợp mắc bệnh có thể không phát hiện được. Vì thế, dựa vào yếu tố dịch tễ và xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Theo đó, nếu người có yếu tố dịch tễ (sinh sống tại hoặc du lịch tới vùng đã có lưu hành dịch do vi rút Zika trong vòng 2 tuần trước khi khởi bệnh), đồng thời có ít nhất 2 trong số các triệu chứng lâm sàng đã nêu ở trên, hoặc có hội chứng Guillain Barre hoặc trên siêu âm phát hiện thai nhi có não nhỏ hơn bình thường so với phát triển của thai nhi thì nghĩ đến nguy cơ mắc Zika.

Bệnh được khẳng định bằng xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán, bằng phương pháp PCR. Riêng với thai phụ có nghi ngờ nhiễm vi rút Zika cần chỉ định theo dõi siêu âm thai để có thể phát hiện biến chứng não bé ở thai nhi. Do không có thuốc đặc trị, nên điều trị vẫn dừng lại ở chữa triệu chứng, nghỉ ngơi. Đặc biệt với phụ nữ mang thai cần hội chẩn với chuyên khoa sản để theo dõi bất thường về thai nhi.

Cho đến nay chưa có vắc xin nên các biện pháp bảo vệ quan trọng nhất là sự kiểm soát quần thể muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt cho những người có nguy cơ, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Theo đó, để phòng ngừa và kiểm soát Zika cần giảm số lượng muỗi bằng cách giảm nguồn (loại bỏ và xử lý các điểm sinh sản) và làm giảm tiếp xúc giữa muỗi và con người. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc chống côn trùng; mặc quần áo (tốt hơn là màu sáng) che càng kín cơ thể càng tốt; sử dụng các rào cản như lưới, đóng kín cửa ra vào và cửa sổ; ngủ có màn chống muỗi. Ngoài ra, cần loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản  như đổ hết nước và làm sạch các thùng chứa nước như xô, chậu hoa hoặc lốp xe cũ... Người dân cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch. Khi bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà./.

BS Đặng Văn Tuấn – PGĐ TTYT huyện Phú Vang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Lịch công tác đơn vị
Thứ hai ngày 30/12/2024
Thứ ba ngày 31/12/2024
Thứ tư ngày 01/01/2025
Thứ năm ngày 02/01/2025
Thứ sáu ngày 03/01/2025
Thứ bảy ngày 04/01/2025
Chủ nhật ngày 05/01/2025
Chưa cập nhật lịch công tác
Dạng 1
Truy câp trong tuần 736
Truy câp trong tháng 207.537
Truy câp trong năm 1.678.115
Truy câp tổng 5.174.190
Truy câp hiện tại 7.516