Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;
Căn cứ Thông tư số 04/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Hướng dẫn số 759/HD-SNV ngày 14 tháng 8 năm 2015 của Sở Nội vụ thực hiện một số nội dung nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 1241/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế;
Căn cứ Quyết định số 2457/QĐ-SYT ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Sở Y tế ban hành Quy chế nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động của Sở Y tế;
Căn cứ Công văn số 837/SYT-TCCB ngày 12 tháng 4 năm 2016 của Sở Y tế về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh;
Sở Y tế hướng dẫn thực hiện một số nội dung nâng bậc lương thường xuyên, nâng phụ cấp thâm niên vượt khung và nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động quý 2 năm 2016 của các đơn vị như sau:
I. Đối với nâng bậc lương thường xuyên
1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch
1.1. Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên
Đối với các ngạch có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch, thì sau 03 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng một bậc lương;
Đối với các ngạch có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch, thì sau 02 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng một bậc lương.
1.2. Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:
- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian được Giám đốc Sở Y tế cử đi học, đi công tác ở trong nước, ở nước ngoài.
1.3. Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên, gồm:
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;
- Thời gian được Giám đốc Sở Y tế cử đi học, đi công tác ở trong nước, ở nước ngoài vượt quá thời hạn;
- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam.
2. Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên
Công chức được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức;
Viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
3. Thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên
3.1. Kéo dài 12 tháng (một năm) đối với các trường hợp:
- Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức;
- Viên chức bị kỷ luật cách chức.
3.2. Kéo dài 06 (sáu) tháng đối với các trường hợp:
- Công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;
- Viên chức và người lao động bị kỷ luật cảnh cáo;
- Công chức, viên chức và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 (sáu) tháng.
3.3. Kéo dài 03 (ba) tháng đối với viên chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách.
3.4. Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài theo quy định.
4. Thời gian nâng bậc lương thường xuyên
4.1. Công chức, viên chức có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng: Có mốc thời gian hưởng lương từ ngày 01/4/2013 đến ngày 30/6/2013;
4.2. Công chức, viên chức và người lao động có trình độ đào tạo trung học trở xuống: Có mốc thời gian hưởng lương từ ngày 01/4/2014 đến ngày 30/6/2014.
II. Đối với nâng phụ cấp thâm niên vượt khung
1. Điều kiện thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hiện giữ
1.1. Thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hiện giữ để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như sau:
Đối với các ngạch có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, đã có 03 năm (đủ 36 tháng) xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch;
Đối với các ngạch có trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, đã có 02 năm (đủ 24 tháng) xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch.
1.2 Các trường hợp được tính và không được tính vào thời gian để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được xác định như các trường hợp được tính và không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên.
2. Tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung
Công chức được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức;
Viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
3. Mức phụ cấp
3.1. Công chức, viên chức có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, sau 03 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch, được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch; từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm có đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%;
3.2. Công chức, viên chức và người lao động có trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống, sau 02 năm (đủ 24 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch, được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch; từ năm thứ ba trở đi, mỗi năm có đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%;
3.3. Công chức, viên chức và người lao động đã có đủ điều kiện thời gian xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch nhưng không đạt đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, thì cứ mỗi năm không đạt đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, thời gian tính hưởng mức 5% phụ cấp thâm niên vượt khung bị kéo dài thêm 01 năm (đủ 12 tháng) so với thời gian quy định. Nếu đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (từ 5% trở lên), kể từ ngày tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung lần sau mà không đạt đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, thì thời gian tính hưởng thêm 1% phụ cấp thâm niên vượt khung bị kéo dài thêm 01 năm (đủ 12 tháng).
4. Thời gian nâng phụ cấp thâm niên vượt khung
4.1. Công chức, viên chức có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch, chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, có mốc thời gian hưởng lương từ ngày 01/4/2013 đến ngày 30/6/2013.
4.2. Công chức, viên chức và người lao động có trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống, đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch, chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, có mốc thời gian hưởng lương từ ngày 01/4/2014 đến ngày 30/6/2014.
4.3. Công chức, viên chức và người lao động đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, có mốc thời gian hưởng lương từ ngày 01/4/2015 đến ngày 30/6/2015.
III. Đối với nâng bậc lương trước thời hạn
1. Điều kiện và chế độ được hưởng
1.1. Công chức được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch;
1.2. Viên chức và người lao động được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch;
1.3. Thời gian tính: Đến ngày 30 tháng 6 năm 2016 xét nâng bậc lương trước thời hạn, nếu công chức, viên chức và người lao động còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng.
2. Tỷ lệ nâng bậc lương trước thời hạn
Tỷ lệ công chức, viên chức và người lao động được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong quý 2 không vượt quá 2,5% tổng số công chức, viên chức và người lao động (số có mặt) trong danh sách trả lương của đơn vị được Sở Y tế giao tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.
3. Cách tính tỷ lệ nâng bậc lương trước thời hạn
3.1. Cứ mỗi 10 người trong danh sách trả lương có 01 người được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc;
3.2. Số lẻ từ 0,5 trở lên (sau khi lấy tổng số người trong danh sách trả lương của đơn vị chia cho 10) được đề nghị thêm 01 người nâng bậc lương trước thời hạn (lập danh sách đề nghị riêng). Những người này sẽ do Hội đồng Xét nâng bậc lương của Sở Y tế xem xét, quyết định theo nguyên tắc ưu tiên cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác của năm trước liền kề.
4. Số lần được nâng bậc lương trước thời hạn
Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng ngạch.
5. Xác định thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn
Xác định thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc như sau:
Thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 06 năm gần nhất đối với các ngạch có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và 04 năm gần nhất đối với các ngạch có yêu cầu trình độ từ trung cấp trở xuống tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.
Riêng đối với trường hợp đã được nâng bậc lương trước thời hạn thì tất cả các thành tích đạt được trước ngày có quyết định nâng bậc lương trước thời hạn trong khoảng thời gian (06 năm và 04 năm) này không được tính để xét nâng bậc lương trước thời hạn cho lần sau.
6. Tiêu chuẩn và cấp độ về lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ
Để đảm bảo công bằng, đúng đối tượng và số lượng theo quy định, việc xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ sẽ do các phòng của Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế xem xét đề nghị theo thứ tự ưu tiên như sau: chưa được nâng bậc lương trước thời hạn lần nào, cấp độ về lập thành tích xuất sắc mà công chức, viên chức và người lao động đạt được trong suốt thời gian giữ bậc.
Cấp độ về lập thành tích xuất sắc của công chức, viên chức và người lao động theo thứ tự như sau:
- Huân chương Lao động hạng Nhất;
- Huân chương Lao động hạng Nhì;
- Huân chương Lao động hạng Ba;
- Chiến sỹ thi đua toàn quốc;
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh;
- Bằng khen của Bộ Y tế; Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Chiến sỹ thi đua cơ sở;
- Giấy khen của Giám đốc Sở;
- Các Bằng khen khác: Bằng khen Ban Chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh; Bằng khen Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; ...
- Các Giấy khen khác: Giấy khen Ban Chấp hành Công đoàn Ngành Y tế; Giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố; Giấy khen Ban Chấp hành Liên đoàn lao động huyện/thị xã/thành phố; Giấy khen Tổng cục Dân số - KHHGĐ; Giấy khen của Ủy ban nhân dân xã/thị trấn/phường; ...
Hội đồng ưu tiên xét chọn những công chức, viên chức và người lao động chưa được nâng bậc lương trước thời hạn lần nào, có thành tích cao nhất, thành tích nhiều năm, thành tích thường xuyên, thâm niên công tác, .... Nếu thành tích cùng cấp khen thưởng thì ưu tiên chọn những công chức, viên chức và người lao động có thời gian thâm niên công tác cao hơn.
7. Thời gian nâng bậc lương trước thời hạn
7.1. Các phòng của Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế lập thủ tục và danh sách công chức, viên chức và người lao động được xét chọn nâng bậc lương trước thời hạn gửi về Sở Y tế để Hội đồng xem xét. Tỷ lệ đề nghị không quá 2,5%. Việc nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động sẽ do Hội đồng Xét nâng bậc lương của Sở Y tế xem xét trên cơ sở đề nghị của các phòng của Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Đơn vị phải cân đối số người được xét trong các quý đảm bảo tỷ lệ thích hợp. Đơn vị nào đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn quá tỉ lệ 2,5% trong quý 2 thì phải có giải thích cụ thể để Hội đồng Xét nâng bậc lương của Sở Y tế xem xét, quyết định. Nếu đơn vị nào đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn quá chỉ tiêu quy định trong năm, Hội đồng Xét nâng bậc lương Sở Y tế sẽ không xét;
7.2. Công chức, viên chức và người lao động có thời gian hưởng lương được đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn như sau:
- Công chức, viên chức có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng: Có mốc thời gian hưởng lương từ ngày 01/4/2014 đến ngày 30/6/2014;
- Công chức, viên chức và người lao động có trình độ đào tạo trung học trở xuống: Có mốc thời gian hưởng lương từ ngày 01/4/2015 đến ngày 30/6/2015.
IV. Hồ sơ đề nghị xét nâng bậc lương
1. Đối với nâng bậc lương thường xuyên và nâng phụ cấp thâm niên vượt khung
- 01 Tờ trình về việc đề nghị nâng bậc lương quý 2 năm 2016;
- 01 Biên bản họp xét nâng bậc lương;
- 01 bản danh sách đề nghị nâng bậc lương thường xuyên đối với công chức, viên chức (theo mẫu);
- 01 bản danh sách đề nghị nâng bậc lương thường xuyên đối với hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (theo mẫu);
- 01 bản danh sách đề nghị nâng bậc lương thường xuyên đối với viên chức xã/thị trấn/phường (ghi rõ tên Trạm Y tế) (theo mẫu);
- 01 bản danh sách đề nghị nâng phụ cấp thâm niên vượt khung (theo mẫu);
- Photo Quyết định nâng bậc lương đang hưởng của từng người được đề nghị nâng bậc lương.
Những trường hợp có thay đổi đơn vị công tác so với Quyết định nâng bậc lương cũ, đơn vị phải photo Quyết định điều động gửi kèm.
2. Đối với nâng bậc lương trước thời hạn
- 01 Tờ trình về việc đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn quý 2 năm 2016;
- 01 bản danh sách đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động (theo mẫu);
- 01 bản danh sách đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động (sau khi lấy tổng số người trong danh sách trả lương của đơn vị chia cho 10 có số lẻ từ 0,5 trở lên);
- Photo Quyết định nâng bậc lương đang hưởng của từng người được đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn;
- Photo Bằng khen, Giấy khen ... lập thành tích xuất sắc của từng người được đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn;
- Quy chế xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và người lao động của các đơn vị.
Những trường hợp đã nâng bậc lương trước thời hạn trước đây, đơn vị phải diễn giải vào cột ghi chú năm đã nâng bậc lương trước thời hạn.
Báo cáo tổng số công chức, viên chức và người lao động (số có mặt đến 30/6/2016) trong danh sách trả lương của đơn vị được Sở Y tế giao biên chế.
3. Các trường hợp nâng bậc lương không đúng kỳ hạn do bị kỷ luật, do không hoàn thành nhiệm vụ hay lý do khác, đơn vị phải diễn giải vào cột ghi chú trong danh sách đề nghị nâng bậc lương và photo gửi kèm những giấy tờ có liên quan.
Để thuận lợi trong tổng hợp danh sách nâng bậc lương của công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành, đề nghị các đơn vị thống nhất sử dụng bảng mã UNICODE, phông chữ Times Newroman, viết thường, cỡ chữ 14, chương trình WORD.
Hồ sơ đề nghị xét nâng bậc lương gửi về Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế bằng văn bản và file điện tử dtpthao.syt@thuathienhue.gov.vn để tổng hợp, báo cáo.
Thời gian gửi hồ sơ về Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế trước ngày 10/6/2016.
Đề nghị các đơn vị triển khai và thực hiện theo đúng quy định. Hội đồng Xét nâng bậc lương Sở Y tế sẽ không xem xét những trường hợp gửi hồ sơ chậm, không đúng thủ tục./.
Chi tiết xem file đính kèm./.