Với 16 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N, vi rút cúm A có thể có nhiều loại phân typ cúm (có thể tới 144 loại) ví dụ như: H1N1, H2N2, H3N2, H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8…. Theo đánh giá vào của WHO(tháng 2/2015) sự xuất hiện liên tục các chủng vi rút cúm mới và đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng vi rút cúm là rất đáng quan tâm và chủng vi rút cúm A H5 là mối đe dọa rõ ràng nhất cho sức khỏe con người hiện nay.
Kể từ khi có các phương pháp hiện đại để phát hiện vi rút, người ta đã xác định được sự đa dạng và phân bố theo khu vực địa lý của các chủng vi rút cúm đang lưu hành hiện nay ở các loài chim hoang dã và chim nuôi. Sự đa dạng này chưa từng được ghi nhận trước đó. Theo WHO, đây là một trong những đặc điểm mà thế giới cần phải quan tâm.
Trong năm 2014, thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8…, các chủng cúm vi rút cúm có đặc tính biến đổi thường xuyên. Đặc biệt sự biến đổi của vi rút cúm mùa đã khiến hiệu quả bảo vệ của vắc xin giảm xuống. WHO đã có đánh giá và nhận định về các dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi của vi rút cúm, trong đó lưu ý về sự đa dạng của việc cùng lưu hành vi rút cúm ở động vật và trao đổi vật liệu di truyền, tạo ra chủng vi rút mới; tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở người tại Trung Quốc; và ghi nhận sự gia tăng cao gần đây các trường hợp nhiễm cúm H5N1 ở người tại Ai Cập; những thay đổi về vi rút cúm mùa H3N2 đã ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của các vắc xin hiện tại cũng là điều cần đặc biệt quan tâm.
Kể từ đầu năm 2014, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã thông báo về 41 vụ dịch do phân typ vi rút H5 và H7 ở chim liên quan đến 7 loại vi rút khác nhau tại 20 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Úc, châu Âu và Trung Đông. Một vài chủng vi rút mới xuất hiện và lây lan trong các loài chim hoang dã hoặc gia cầm chỉ trong vài năm qua. Việc phát hiện vi rút cúm gia cầm độc lực cao ở các loài chim hoang dã cho thấy cần thiết phải tăng cường giám sát tại các trang trại chăn nuôi gia cầm.
Phân typ vi rút H5 và H7 cần được quan tâm nhiều nhất, do chúng có thể nhanh chóng biến đổi từ chủng gây bệnh nhẹ ở chim thành chủng gây bệnh nặng và tử vong trên đàn gia cầm, gây ra dịch bệnh làm thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm và đời sống của nông dân.
Vi rút cúm gia cầm H5N1 độc lực cao là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á liên tiếp từ năm 2003 và hiện vẫn gây dịch tại nhiều quốc gia. Dịch bệnh vẫn là mối lo ngại đối với sức khỏe con người. Từ cuối năm 2003 đến tháng 1/2015, đã ghi nhận hơn 700 trường hợp nhiễm chủng cúm này tại 16 quốc gia, trong đó có 428 ca tử vong (chiếm 55%).
Các nhà vi rút học giải thích sự gia tăng gần đây của virus gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy các vi rút cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng mới. Sự xuất hiện của rất nhiều vi rút mới đã tạo ra một nguồn gene đa dạng tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gene giữa các chủng vi rút cúm khác nhau. Do vậy, những hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể đoán trước được và rất đáng lo ngại.
Từ tháng 11/2014 đến nay, Ai Cập bắt đầu ghi nhận sự gia tăng đột biến về số mắc cúm A/H5N1- đây là điều đáng quan tâm với 105 ca mắc và 35 người tử vong. Số lượng các ca bệnh trong giai đoạn này được ghi nhận lớn hơn tổng các trường hợp được ghi nhận trong mỗi năm ở tất cả các quốc gia.
WHO cảnh báo về khả năng bảo vệ của vắc xin phòng cúm mùa bị giảm. Từ tháng 2/2014, các đặc điểm về kháng nguyên và kháng thể của vi rút A/H3N2 thay đổi đáng kể. Sự thay đổi này cho phép hầu hết các vi rút lưu hành trong mùa cúm có thể làm cho vắc xin cúm mùa không có khả năng bảo vệ chống lại vi rút đã thay đổi này. Trong những năm qua, tthế giới đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tốt hơn cho một đại dịch tiếp theo, nhưng vẫn có nguy cơ cao xảy ra đại dịch đặc biệt là với dịch bệnh nguy hiểm như cúm.
Trong năm 2014, nước ta đã ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm tại các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; kết quả xét nghiệm các mẫu vi rút cúm A(H5N6) ở Việt Nam có sự tương đồng 99% với chủng vi rút cúm A(H5N6) gây bệnh trên người tại Trung Quốc.
Trong hai tháng đầu năm 2015, kết quả giám sát trên người từ các điểm giám sát cúm quốc gia cho thấy, chủng vi rút cúm A(H3) là chủng lưu hành chủ yếu chiếm 77,8%, tiếp đó là chủng vi rút cúm A(H1N1) và cúm B cùng chiếm 11,1%, trong khi đó trong năm 2014, tỷ lệ cúm B lưu hành chủ yếu với tỷ lệ chiếm 59%, tiếp đó là cúm A(H3) với tỷ lệ 28%, cúm A(H1N1) với tỷ lệ 13%. Đây là sự thay đổi mang tính thường xuyên trong số các chủng vi rút cúm mùa. Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam. Tuy nhiên, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A(H7N9), cúm A(H5N8), cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người.
Trước tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh cúm tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ Y tế đã ban hành và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2015, đồng thời sẵn sàng triển khai các hoạt động đáp ứng theo các tình huống dịch bệnh. Văn phòng đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế (Văn phòng EOC) đã được yêu cầu tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh trong nước, quốc tế, kịp thời tiếp nhận, chia sẻ thông tin với các Tổ chức quốc tế cũng như các đơn vị liên quan trong nước để nhanh chóng cảnh báo về những nguy cơ dịch bệnh và tổ chức các hoạt động đáp ứng một cách nhanh nhất.
Để chủ động phòng chống các chủng vi rút cúm đặc biệt là các chủng vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
- Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín.
- Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.