Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương, trong 5 năm cuối của thế kỷ 20, bão lụt đã làm chết 12.000 người, nhấn chìm 15.000 tàu thuyền, cuốn trôi và đổ gần 8 triệu ngôi nhà. Điển hình như thảm họa do cơn bão Linda, năm 2007 trên vùng biển Kiên Giang - Cà Mau, làm chết 1.029 người. Lũ đặc biệt lớn ở Nam Trung Bộ xảy ra vào năm 1999 làm chết 780 người.
Cho tới những năm đầu của thế kỷ 21, tính từ năm 2002 đến 2010, tần suất và mức độ trầm trọng của thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng, qui mô thiên tai lan rộng khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam với đủ các loại hình từ lũ quét, bão, lụt và sạt lở đất. Số đợt bão lũ và cường độ ngày càng gia tăng. Cùng với sự gia tăng của thiên tai, số các trường hợp tử vong và thương tích do bão lũ gây nên cũng càng ngày càng gia tăng. Căn cứ theo kết quả của Báo cáo điều tra tác động thiên tai, tại 19 tỉnh thành, trong một thập kỷ từ 1996 đến 2006, 6.353 người chết; 2.753 người mất tích (coi như đã chết) và 7.647 người bị thương do các nguyên nhân trực tiếp của thiên tai. Năm 1996, 1997, 1998, 1999, 2005, 2006 và 2007 là những năm có số các trường hợp tử vong, mất tích, bị thương trên 1000, là các năm có bão và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra. Năm 1997 có số thiệt hại cao nhất là 4.700 người (chủ yếu do cơn bão Linda) tiếp theo là năm 2006 với 2.678 người (do bão ChanChu và XangXan). Nếu thống kê đầy đủ tại cộng đồng, số người bị thương đến các cơ sở y tế còn cao hơn con số thống kê này. Năm 2008 là năm có “6 kỷ lục về mưa, bão và lũ”, làm 550 người chết và mất tích và liên tục xảy ra dịch tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu. Tháng 10/2010, các tỉnh miền Trung cũng đối mặt với trận lũ lụt lịch sử, làm ít nhất 76 người tử vong trong 1 tuần.
Đối với các thiên tai thường gặp trên thế giới, mỗi loại thiên tai sẽ để lại những mức độ nguy cơ khác nhau trong bùng phát các bệnh truyền nhiễm. Trong bối cảnh thiên tai của Việt Nam, số liệu cho thấy một số nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm như cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết v.v… đã xuất hiện trong và sau thiên tai như bão, lũ lụt.
Ngành Y tế chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Số liệu về tác động của thiên tai đối với các cơ sở y tế cho thấy, từ năm 1996 đến năm 2008 đã có 745 cơ sở y tế bị đổ trôi và 8.954 cơ sở bị hư hại do thiên tai. Số lượng cơ sở y tế thiệt hại nhiều vào những năm có nhiều thiên tai xảy ra như năm 1996, 1999, 2000 và 2007. Nguyên nhân thiệt hại của các cơ sở y tế chủ yếu là do bão, lốc tố nhiều hơn là do lũ lụt. Tổng cộng có 135 bệnh viện, bệnh xá bị trôi, sập đổ hoàn toàn do lũ lụt, chiếm 20%, và 552 bệnh viện, bệnh xá bị sập đổ do bão, lốc tố và áp thấp nhiệt đới, chiếm 80%. Việc chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho việc đảm bảo các dịch vụ y tế và việc nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác này cần đặc biệt chú trọng trong tình huống thiên tai.
Để nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai với ngành Y tế, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động về chuẩn bị, ứng phó với thiên tai của ngành Y tế giai đoạn 2015- 2020. Bộ Y tế sẽ tăng cường năng lực hệ thống điều hành, quản lý và đáp ứng thiên tai của ngành Y tế từ trung ương đến địa phương theo hướng: kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý, đáp ứng thiên tai ngành Y tế từ trung ương đến địa phương; rà soát chức năng và hoạt động của Ban chỉ huy, các tiểu ban ở cấp Bộ, cấp tỉnh/thành phố làm cơ sở thông tin cho xây dựng chính sách nhân sự, cải tiến hệ thống điều hành, quản lý phòng chống thiên tai từ trung ương đến địa phương; xây dựng quy chế cụ thể hoạt động của Ban chỉ huy, sự phối hợp trong chuẩn bị và ứng phó với thiên tai từ trung ương đến địa phương.
Cơ chế chính sách, quy trình hướng dẫn quản lý của ngành Y tế trong phòng và giảm nhẹ hậu quả thiên tai được xây dựng và hoàn thiện. Bộ Y tế chỉ đạo rà soát các quy định, chính sách hiện hành có thể ứng dụng trong việc chuẩn bị và ứng phó với thiên tai; hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ triển khai kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của ngành Y tế; xây dựng tài liệu hướng dẫn lập kế hoạch, kỹ thuật và quy trình chuẩn quản lý thiên tai của ngành Y tế theo ba giai đoạn trước, trong và sau thiên tai.
Năng lực của các cơ sở y tế được tăng cường nhằm cung cấp dịch vụ y tế một cách hiệu quả, kịp thời trong tình huống thiên tai. Ngành Y tế xây dựng và triển khai mô hình thí điểm bệnh viện an toàn tại các vùng trọng điểm; nâng cao năng lực cấp cứu và quản lý thương vong hàng loạt trước và trong bệnh viện trung ương, khu vực, tuyến tỉnh/huyện có nguy cơ cao trong việc đối mặt với tình huống khẩn cấp trong thiên tai. Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hình thức cung cấp dịch vụ y tế theo đội cơ động trong sơ cấp cứu và phòng chống dịch bệnh; xây dựng mô hình ứng phó với thiên tai tại cộng đồng, lồng ghép các chương trình y tế, mô hình cộng đồng an toàn, làng an toàn, làng văn hóa sức khỏe, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, quân dân y kết hợp thành một mô hình toàn diện ứng phó với thiên tai tại cộng đồng ở các vùng trọng điểm; đảm bảo hậu cần đầy đủ cho việc chuẩn bị và đáp ứng với thiên tai, tình huống khẩn cấp.
Mọi nguồn lực được huy động, tăng cường sự tham gia phối hợp của cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, tư nhân, tôn giáo, quốc tế trong quá trình chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng: tăng cường vai trò chủ đạo, điều phối nguồn lực của Bộ Y tế trong các hoạt động liên quan đến khía cạnh y tế trong thiên tai; nâng cao nhận thức, vai trò và sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức, các nhân trong nước và quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai trong ngành Y tế qua các kênh truyền thông, phương tiện truyền thông; xây dựng các mô hình quản lý và đáp ứng thiên tai có sự tham gia của các tổ chức, ban ngành liên quan và cộng đồng.
Ứng dụng công nghệ thông tin và thiết lập hệ thống giám sát của ngành Y tế về thiên tai để làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó và đáp ứng hậu quả thiên tai. Bộ Y tế xây dựng hệ thống quản lý thông tin y tế trong thiên tai trên cơ sở hệ thống thông tin có sẵn của ngành Y tế; xây dựng cơ sở dữ liệu y tế quốc gia về thiên tai, bao gồm các thông tin cơ bản về cơ sở hạ tầng hệ thống y tế, bệnh viện, các yếu tố nguy cơ, bản đồ nguy cơ thiên tai; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công tác chuẩn bị và ứng phó với thiên tai; phát triển dự án nâng cao năng lực thu thập, quản lý và sử dụng thông tin tác động của thiên tai trong ngành Y tế nhằm xây dựng hệ thống giám sát điểm, hệ thống ghi nhận thông tin tác động của thiên tai tới sức khỏe người dân tại một số tỉnh trọng điểm; lồng ghép các chỉ số về tác động y tế do thiên tai và nguy cơ thiên tai trong hệ thống thống kê y tế định kỳ và hệ thống giám sát điểm thiên tai.
Phát triển chuyên ngành quản lý thiên tai, y học thiên tai tại nước ta thông qua dự án nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý thiên tai với ba cấu phần chính bao gồm cơ sở vật chất trang thiết bị, phát triển năng lực cán bộ giảng dạy, xây dựng chương trình theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2015- 2017: đánh giá năng lực và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực thiên tai làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo; xây dựng và lồng ghép các chương trình đào tạo ngắn hạn về thiên tai với chương trình đào tạo về y tế công cộng, y học lâm sàng; đào tạo giảng viên tại các nước có chương trình đào tạo tiên tiến về quản lý thiên tai và y học thiên tai. Giai đoạn 2 từ 2018- 2020: phát triển chương trình đào tạo dài hạn về lĩnh vực quản lý thiên tai và y học thiên tai; thành lập đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách trong phòng, đáp ứng và khắc phục hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam nhằm nâng cao vai trò của y tế trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, tăng cường năng lực điều phối, cơ chế phối kết hợp liên ngành trong phòng chống thiên tai của ngành Y tế.
File đính kèm Quyết định số 646/QĐ-BYT