Theo Đông y, hội chứng Meenie thuộc chứng huyễn vựng, với biểu hiện chủ yếu là chóng mặt kết hợp với các chứng ù tai, nôn mửa. Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể bệnh:
Thể can phong
Người bệnh có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ù tai, miệng khô đắng, nôn, phiền táo, dễ cáu gắt, đầu lưỡi đỏ. Mạch huyền tế đới sác. Phép chữa: bình can tức phong, tiềm dương hoặc bổ thân âm, bổ can huyết tiềm dương. Dùng một trong các bài thuốc sau:
Bài 1. Lục vị hoàn gia giảm: thục địa 16g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, đương quy 8g, bạch thược 8g, phục linh 8g, trạch tả 8g, đơn bì 8g, cúc hoa 8g, long cốt 12g, mẫu lệ 12g, câu kỷ tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2. Thiên ma câu đằng ẩm: thiên ma 12g, câu đằng 16g, hoàng cầm 12g, chi tử 8g, thạch quyết minh 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu tăng huyết áp gây chóng mặt phiền táo, tiểu tiện đỏ, táo bón, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác là biểu hiện của chứng can hỏa vượng thì dùng bài “Long đởm tả can thang gia giảm”: long đởm thảo 12g, hoàng cầm 12g, sơn chi 12g, sài hồ 12g, sinh địa 16g, đương quy 8g, mộc thông 12g, xa tiền 16g, trạch tả 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể huyết hư
Người bệnh có biểu hiện: sắc mặt xanh hoặc vàng úa, hồi hộp, ngủ ít, mệt mỏi hay quên, ăn kém, chất lưỡi nhạt ít rêu, chóng mặt hoa mắt, nữ giới thì kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít, sắc kinh nhạt. Mạch tế nhược. Phép chữa: dưỡng huyết tức phong. Dùng một trong các bài thuốc sau:
Bài 1. Tứ vật thang gia giảm: thục địa 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, tang ký sinh 16g, hà thủ ô 16g, ngưu tất 12g, long nhãn 12g, kỷ tử 12g, a giao 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2. Bát trân thang gia giảm: thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, đảng sâm 16g, bạch truật 12g, phục linh 8g, cam thảo 4g, địa long 12g, mẫu lệ sống 16g, thạch quyết minh 20g, tang ký sinh 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 3. Ngũ vị tử thang: đương quy 8g, hoài sơn 12g, ngũ vị tử 8g, toan táo nhân 12g, long nhãn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể đàm thấp
Người bệnh người béo trệ, chóng mặt, hoa mắt, lợm giọng, buồn nôn, hồi hộp, ngủ hay mê, ăn kém, sáng hay khạc ra đờm, miệng nhạt, lưỡi bệu, rêu dính. Mạch hoạt. Phép chữa: hóa đàm trừ thấp.
Bài thuốc Nhị trần thang gia giảm: trần bì 8g, bán hạ chế 8g, phục linh 8g, cam thảo 4g, thêm trúc nhự 8g, chỉ thực 12g, địa long 8g, thạch xương bồ 8g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nếu rêu lưỡi trắng dính, đại tiện lỏng, miệng không khát, thêm: đảng sâm 16g, bạch truật 12g, trạch tả 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kết hợp day bấm các huyệt: lao cung, nội quan, thiên lịch.
Lao cung: ở lòng bàn tay từ khe giữa ngón tay 3 và 4 kéo xuống chạm vào đường tâm đạo là huyệt.
Nội quan: giữa lằn chỉ cổ tay trong lên 2 tấc (bằng chiều ngang 2 ngón tay 2 và 3 khép lại).
Thiên lịch: ở trên huyệt dương khê, từ dương khê đo lên 3 tấc.
Xoa bóp, day bấm 3 huyệt này có tác dụng ổn định thần kinh, trấn tĩnh tinh thần, trị đau các dây thần kinh, đau đầu ù tai. Có tác dụng tốt cho việc điều trị bệnh.
Dương Ngọc Khánh